Bộ Chính trị định hướng kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đoạn qua Nghệ An ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường

Sáng 16/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 26).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự, chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư đồng chủ trì tại điểm cầu Trung ương.

Cùng dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ 14 tỉnh, thành ủy trong vùng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự, chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Cường

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Hội nghị được truyền trực tiếp đến 22 điểm cầu các huyện, thành, thị ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, 431 điểm cầu xã, phường, thị trấn và hơn 300 điểm cầu cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng, đáp ứng nguyện vọng của các Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân vùng trong bối cảnh phát triển mới.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Ảnh: Phạm Cường

Nghị quyết số 26 là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh toàn vùng, cũng như các địa phương trong vùng thời gian tới.

Theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: Phạm Cường

Vùng là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Bộ Chính trị chủ trương nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Nghị quyết số 26 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu đề ra gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo, rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Ảnh: Phạm Cường

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đề cập trên nhiều nội quan trọng liên quan đến Nghệ An như: Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực để nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch liên tỉnh Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An). Nghệ An cũng được xác định định để tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt cùng với Thanh Hóa, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Thành phố Vinh cũng được Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị xác định là “tọa độ” được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn, đồng thời, trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu cùng với các thành phố là Đà Nẵng và TP. Huế. Thành phố Vinh cũng được định hướng phát triển thành trung tâm văn hóa phía Bắc của vùng.

Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai Nghị quyết số 26. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu thảo luận.