(Baonghean.vn) - Bỏ nghề khai thác vàng sa khoáng, lão nông Nguyễn Viết Nam ở tuổi 70 lên núi làm trang trại, trồng các loại cây bản địa và phủ xanh 3 ha vườn đồi.
Vườn đồi của ông Nguyễn Viết Nam ở cuối bàn Khe Nằn xã Chiêu Lưu huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cách quốc lộ 7A một quãng dốc ngắn. Khu vườn rộng hơn 3ha nằm lẩn khuất sau những đám cây bụi.
Ông Nguyễn Viết Nam năm nay 70 tuổi. Ông nói mình đích thực là người Thái. Tuy nhiên cái họ của ông lại là họ người Kinh bởi gia đình ông có quãng lưu lạc ở Lào rồi về định cư ở Khe Nằn này từ năm 1953.
Năm 2014, ông Nam cùng bà vợ (hiện 68 tuổi) đến lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt ở lô đất trước kia là rẫy lúa của gia đình. Từ đây ông phát đồi trồng xoan, chuối và hàng chục loại cây trồng bản địa khác như mướp, sả, dứa, ngô, lúa rẫy, lạc, đậu rẫy, gừng, nghệ. Mỗi thứ cây trồng được ông Nam chia thành từng khoảnh khác nhau. Dứa, sả thì trồng xen dưới tán xoan.
Thật hiếm thấy một lão nông tuổi 70 lại tự tay làm được một trang trại với hàng chục thứ cây trồng. Không chỉ vậy ông còn có một đàn dê gần 10 con, rồi còn nuôi cả bò, lợn, gà ....
Nói về chuyện lên núi làm trang trại ở tuổi thất thập, ông Nguyễn Viết Nam cho biết: Trước kia trong vùng chẳng mấy ai để ý đến nương rẫy và người dân chỉ chú trọng việc khai thác vàng sa khoáng. Việc kiếm tiền có phần dễ dàng hơn hiện tại.
Gần 10 năm trở lại đây, vàng sa khoáng cạn kiệt, nhiều người bỏ bản đi làm ăn xa hoặc chuyển sang một công việc khác. Ông Nam cũng bỏ việc đãi vàng trên sông, suối.
Là người yêu thích lao động, ông thấy “ngứa ngáy chân tay" khi ngồi rỗi ở nhà. Thế nhưng tuổi đã cao, ông chẳng thể đi xa kiếm việc làm. Suy nghĩ kỹ rồi ông bàn với vợ trở lại khu vườn đồi được chia theo chủ trương giao đất, giao rừng lập trang trại.
Ông có một con trai nhưng đang làm ăn ở Lào, các con gái đều đã có gia đình riêng nên hai người già phải tự lo lấy mọi việc ruộng nương nặng nhọc. Nhưng với ông Nam lao động là niềm vui. Ông không thể ngồi yên một chỗ mà không cầm đến nông cụ lao động.
Vấn đề mà lão nông người Thái gặp phải là hiện rất khó khăn trong việc bán những thứ nuôi, trồng được. “Gà thì thỉnh thoảng họ đến hỏi mua một vài con. Chuối cũng bán được vài buồng mỗi năm, nhiều khi chỉ đem biếu” - ông Nguyễn Viết Nam cho biết.
Hồ Phương - Hữu Vi