(Baonghean) - Ngoại trưởng 3 nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây có cuộc điện đàm và thống nhất nhiều vấn đề chung liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria. Đích thân Tổng thống Nga Putin ngày 18/12 cũng đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này. Những diễn biến này một lần nữa cho thấy, Mỹ và châu Âu đang 'bị gạt' ra khỏi chiến trường Syria.

Vì sao Mỹ bị “ra rìa”?

Chỉ trong vài ngày qua, các nỗ lực ngoại giao liên quan đến cuộc chiến Syria đã có nhiều diễn biến mới. Đáng chú ý, đó là cái bắt tay của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mà không có bất kỳ sự tham gia của Mỹ hay Liên minh châu Âu. Trước hết phải kể đến cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng 3 nước hôm 17/12. Theo đó, các ngoại trưởng đã nhấn mạnh việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria.

Thông qua cuộc điện đàm do phía Nga khởi xướng, 3 vị ngoại trưởng đã nhất trí sẽ sớm gặp nhau vào ngày 20/12 tại Kazakhstan. Không chỉ vậy, hôm 18/12, đặc phái viên Tổng thống Nga tại Syria - ông Alexander Lavrentiev đã bất ngờ có chuyến thăm Iran để thảo luận tình hình với các quan chức hàng đầu nước này. Đặc biệt, cùng ngày 18/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về cuộc nội chiến Syria. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình tại chiến trường Aleppo cũng như việc hoàn tất sơ tán người dân và đưa những tay súng đối lập ra khỏi thành phố.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) đang cùng có những lợi ích chiến lược tại Syria. Nguồn: Ria Novosti
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rauhani (phải) cũng đứng về một phía tại Syria. Nguồn: AFP

Tất cả những động thái này diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Nga thông báo hoãn không có lý do cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề Aleppo. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc bộ 3 Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh việc hợp tác trong vấn đề Syria mà không màng đến ý kiến của Mỹ và Liên minh châu Âu. Thứ nhất, cục diện chiến trường Aleppo vừa qua đã hoàn toàn thay đổi với chiến thắng thuộc về quân đội Chính phủ do Nga hậu thuẫn. Với “thế thắng” như vậy, việc tiến thêm một bước trên mặt trận ngoại giao với các “đồng minh tạm thời” là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng không có gì khó hiểu. Thứ hai, động thái có vẻ như “trêu ngươi” Mỹ cũng là thông điệp mà phía Nga muốn khẳng định lại rằng, Nga - Thổ - Iran đang có nhiều lợi ích chung và cũng có nhiều vấn đề có thể cùng nhau đối phó. 

Bắt tay có vì Syria

Trong cái bắt tay Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, dư luận đặc biệt chú ý đến mối quan hệ Nga - Thổ. Dư luận chắc hẳn đã thấy sự thay đổi hoàn toàn trong quan hệ hai nước hiện nay so với thời điểm xảy ra sự cố nghiêm trọng trong quan hệ 2 nước hồi tháng 11 năm ngoái, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga gần biên giới Syria. Nga khi đó đã đáp trả bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng kể từ vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm nay, trong đó Ankara cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là “chủ mưu”; quan hệ giữa nước này với Mỹ đã bắt đầu rạn nứt. Cho đến tháng 10 vừa qua, chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra bước ngoặt trong quan hệ 2 nước cũng như thể hiện thái độ rõ ràng của Ankara với Washington. 

Những khung cảnh này tại Syria chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai một khi đây vẫn là bàn cờ chiến lược của các nước lớn. Nguồn: Al Jaazara

Rõ ràng, một khi Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau thì lợi thế trên chiến trường Syria chắc chắn sẽ ngả về Nga. Tiếng nói và vị thế của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria cũng sẽ được tăng cường. Thực tế tại chiến trường Aleppo những ngày qua cũng đã thể hiện điều đó. Mặc dù chưa thể giải quyết triệt để được tình hình tại đây, tuy nhiên, phía Nga hiểu rằng, Mỹ và đồng minh nếu không có bộ 3 Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỹ cũng sẽ chẳng thể đưa Syria đến đích. Với những lý do như vậy, việc 3 nước Nga -Iran -Thổ Nhĩ Kỳ cố tình thiết lập các khuôn khổ đàm phán riêng chắc chắn đang khiến Mỹ và đồng minh “bực bội”. Tất nhiên, sức ép nhượng bộ sẽ đến với Mỹ và đồng minh trong các cuộc đàm phán đa phương về cuộc khủng hoảng Syria thời gian tới đây. 

Tuy nhiên, liệu cái bắt tay Nga - Thổ - Iran có đưa đến hồi kết cho Syria hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Bởi giới phân tích đã nhận định, đây chỉ là “một trục quan hệ lợi ích tạm thời”, nó kéo dài đến bao lâu thì chưa ai có thể đoán định. Nhất là trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ đắc cử là ông Donald Trump được cho là có tư tưởng “mềm dẻo” hơn với Nga. Vượt qua cuộc bỏ phiếu đại cử tri ngày 19/12, ông sẽ nhậm chức vào đầu năm tới. Khi đó, quan hệ Nga - Mỹ, cục diện Syria và cả Trung Đông chắc chắn sẽ còn nhiều biến động khó lường. Và một khi chiến trường Syria vẫn là sân chơi lợi ích cho các nước lớn, thì bất cứ cái bắt tay nào cũng chỉ là “nhất thời” mà thôi.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN