Thành quả đáng khích lệ
Là người trực tiếp bình luận trận Hà Nội - SLNA, BLV Quang Tùng đánh giá: Đầu tiên, về mặt kết quả đó là một thành công với SLNA. Họ là đội chưa thua cho đến lúc này, đầu bảng sau 5 vòng đấu và giữ sạch lưới. Đó là một kết quả tích cực đối với một đội bóng có nhiều xáo trộn, có nhiều cầu thủ trẻ mới 20, 21 tuổi, có rất nhiều những cầu thủ có thể nói là còn non về mặt kinh nghiệm.
Nhìn vào lực lượng của SLNA thì chúng ta cảm nhận rất rõ rằng họ không phải là một đội bóng mạnh, họ còn thiếu rất nhiều thứ. Sau mỗi năm việc chảy máu lực lượng khiến SLNA phải co kéo, phải sử dụng những con người mới nhưng mỗi năm thì người ta lại thấy ở SLNA một điểm gì đó tích cực. Năm nay, rất may cho SLNA là sự tích cực đó đến sớm hơn, đến ngay từ đầu giải.
Có thể giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, các cầu thủ SLNA tập trung hơn cho công việc của mình. Quãng thời gian 2 tháng đó, giúp cho họ có thêm quỹ thời gian để tích lũy, dẫn đến việc khi trái bóng quay trở lại, thì họ đã có sự sẵn sàng.
Lối chơi của SLNA vào thời điểm này trên cơ sở lực lượng như vậy, thật khó để gọi là bùng nổ nhưng họ lại biết cách “liệu cơm gắp mắm”, biết cách toan tính với lực lượng cụ thể, với những đối tượng cụ thể thì sẽ sử dụng cách chơi như thế nào. Khi chơi trên sân Hàng Đẫy của Hà Nội, SLNA đã chơi tốt, chơi bằng cái cách hợp lý nhất.
Nhiều người có thể tiếc cho SLNA là lẽ ra phải ghi được nhiều bàn thắng hơn, nhưng 1 bàn thôi cũng đã đủ bởi nhiều năm SLNA mới thắng được Hà Nội ngay tại Hàng Đẫy. Đó là cột mốc đáng nhớ và đáng tự hào, có thể SLNA vẫn còn rất nhiều vấn đề nữa trong mùa giải này, chưa đặt được mục tiêu cao cho SLNA vào lúc này nhưng thành tích hiện tại là rất đáng khích lệ.
SLNA đã thay đổi tư duy chơi bóng
Trận đấu vừa rồi, nụ cười của HLV Quang Trường đã nói lên nhiều điều. Ý tưởng tiếp cận trận đấu, cái cách mà cầu thủ SLNA chuyển hóa ý tưởng đó trước đối thủ. Họ là những con người rất trẻ, có những người là mùa giải đầu tiên ở V.League nhưng họ đã chơi một thứ bóng đá rất trật tự, có kỷ luật.
Thể lực của SLNA vào lúc này không phải là điểm mạnh. Đấy là một điểm rất đáng chú ý so với những gì gọi là truyền thống thì bây giờ nó không phải là sức mạnh nữa rồi. Tuy nhiên có những điểm đang tịnh tiến, đi lên theo chiều hướng tôi thấy rất tích cực.
Thay vì băm bỏ, dùng sức nhiều, thậm chí là một lối chơi “chém đinh chặt sắt” như người ta đã từng nói thì bây giờ SLNA vẫn có thể đá phòng ngự bằng ý thức về vị trí, về cách đeo bám, đón nhận tình huống của đối phương, hiểu được điểm mạnh của đối phương để hóa giải.
Ở trận Hà Nội, chúng ta thấy rất ít những tình huống SLNA bị phạt ở những khu vực nguy hiểm. Rất ít những tình huống cầu thủ SLNA phải nhận thẻ, không có những tình huống vào bóng ác ý. Đấy là những điểm mà tôi cho rằng có những sự khác biệt lớn, đó là sự trưởng thành không chỉ của những cầu thủ trên sân mà sự trưởng thành của cả một đội bóng.
Họ đã thay đổi sau rất nhiều năm. Cái thay đổi đó đã đến từ những năm trước, nhưng điển hình ở trận gặp Hà Nội. Chúng ta thử tưởng tượng một đội bóng chơi phòng ngự để không thua sẽ như thế nào, nhưng trước các một đội bóng mạnh như Hà Nội, SLNA có nhiều hơn như thế, có cả một trận thắng, có cả những tình huống để ghi được nhiều bàn thắng hơn.
Quan trọng nhất, họ đã tạo ra một hình ảnh rằng họ có thể chơi một thứ bóng đá mà ý tưởng chơi, nó không có nghĩa phải dùng rất nhiều phương tiện để phục vụ chiến thắng. Họ vẫn có thể đạt được mục đích bằng thứ bóng đá theo tiêu chuẩn của mình.
Những điểm chưa hoàn thiện của SLNA
Hiệp 1 trận Hà Nội - SLNA, chủ nhà có 3 cơ hội ghi bàn. Những cơ hội đó đến từ những thời điểm mà ai đó trong hàng phòng ngự SLNA mắc lỗi, chơi thiếu chặt chẽ về vị trí, khâu xử lý kỹ thuật. Tuy nhiên, xét về tổng thể, cầu thủ SLNA đã làm tốt nhất những gì có thể của mình.
Như vậy, kinh nghiệm, hoàn thiện về mặt kỹ thuật của những cầu thủ trẻ SLNA phải hoàn thiện, tích lũy thêm để có thể chuyển hóa những cơ hội trong thế trận phản công, đặc biệt là hiệp 2 thành những bàn thắng.
Có Peter Samuel rất khỏe, phút 90 vẫn có thể gồng cánh như vậy, nhưng vệ tinh bên cạnh phải triển khai tấn công 2 đấu 2, 3 đấu 3 như thế nào để lợi thế phản công cụ thể hơn, chiến thắng trở nên cách biệt hơn, chắc chắn hơn cho SLNA. Đó là những điều mà SLNA cần phải trui rèn thêm. Đó chưa thể gọi là những điểm mạnh được.
Khi hàng phòng ngự SLNA có bóng, họ chỉ mất 1 đến 2 nhịp thì bóng đã có thể tìm đến Phan Văn Đức, Hồ Tuấn Tài, Peter Samuel cho thấy ý tưởng chơi phòng ngự phản công tương đối mạch lạc, tương đối rõ ràng. Họ hiểu được rằng, Hà Nội có rất nhiều vấn đề.
SLNA có ý tưởng chơi rất tốt, hợp lý nhưng bên cạnh ý chí, ý tưởng thì họ vẫn phải củng cố về mặt kinh nghiệm để thế trận phòng ngự phản công chặt chẽ hơn nữa, phải mài dũa những những miếng phản công trở nên hiệu quả hơn.
Cụ thể là SLNA cần tận dụng sức mạnh của Peter Samuel đi bên cạnh sự nhanh nhẹn của Văn Đức, quyết đoán của Hồ Tuấn Tài để tạo thành một mũi đinh 3 có thêm nhiều màu sắc, điểm nhấn. Tôi nghĩ rằng SLNA sẽ trở nên hoàn thiện hơn với thế hệ cầu thủ này.