(Baonghean) Con đường mới mở băng rừng, cắt núi đã phá vỡ thế biệt lập bao đời nay của thung lũng Phá Đáy mù sương. Theo đó, hàng chục gia đình từ các bản làng khác lần lượt di cư vào lập nghiệp. Chi bộ Đảng cũng được thành lập vào ngày 19/5/2012 vừa qua. Một bình minh mới mở ra cho bản Phá Đáy (xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu).

Ngay tại trụ sở UBND xã Châu Bính, tôi được một cán bộ Hội CCB kể về quá khứ hãi hùng của một Phá Đáy không chỉ bị cô lập về địa lý mà còn cả lòng người. Ông cho biết, đây từng là nơi cư ngụ của những người bị bệnh phong, dân gian hay gọi là hủi, cùi. Người dân địa phương xem đây như một thung lũng “tử thần”, chẳng mấy ai mảy may có suy nghĩ bước chân vào chốn này dù chỉ một lần. Suốt một thời gian dài, ngay cả khi bệnh phong đã được dập tắt hoàn toàn ở Phá Đáy, cũng chỉ có cán bộ xã lặn lội vượt rừng, vượt núi đá mất nửa ngày trời vào với 11 hộ dân sống thui thủi, cô độc trong những nóc nhà đơn sơ, tạm bợ.

Nhưng hôm nay, tôi chỉ mất chưa đầy 30 phút đi xe máy theo sự hướng dẫn của Bí thư Chi bộ bản Phá Đáy - Đậu Ngọc Long là đã có thể mục sở thị một Phá Đáy tuy còn hoang sơ nhưng đã khoác lên mình một sinh khí mới. Trên những triền đồi, tiếng máy cày rền vang như xé toạc màn mây âm u bao phủ cả thung lũng, người dân Phá Đáy cần cù đang vỡ đất chuẩn bị trồng mía nguyên liệu. Ông Lữ Văn Thiết (53 tuổi) Trưởng bản Phá Đáy lau vội những giọt mồ hôi trên trán, nở nụ cười hiền hậu giới thiệu: “Từ khi con đường nhựa dài 5km nối từ bản Nông Trang vào Phá Đáy được hoàn thành, Phá Đáy hết bị cô lập. Người dân có điều kiện giao lưu với bên ngoài. Cái máy cày nó cũng vào làm đất cho bà con trồng mía”. Theo thống kê của bản, năm nay diện tích trồng mía nguyên liệu sẽ chạm mốc 15ha. 

Trưởng bản Lữ Văn Thiết còn cho biết thêm, ban đầu chỉ có 11 hộ dân gốc ở đây, nhưng nay bản đã có 34 hộ, 114 khẩu. Cả bản đã có 9 cháu theo học ở 4 cấp học. Ông Trưởng bản kể: “Tui cũng là một người dân di cư, vào Phá Đáy lập nghiệp từ năm 2005. Nhiều người dân cũng chọn Phá Đáy làm nơi an cư lạc nghiệp của mình. Bây giờ không ai sợ khi vào Phá Đáy nữa. Đất đai ở đây tươi tốt, trồng trọt đạt năng suất rất cao”.

Bình minh Phá Đáy ảnh 1

      Máy cày đã vào Phá Đáy giúp người dân khai hoang đất trồng mía nguyên liệu.

Cũng với bước đột phá cơ bản về hạ tầng, người dân Phá Đáy càng có lý do để thêm tự tin, vững bước vào tương lai phía trước. Đó là ngày 19/5/2012 vừa qua, lãnh đạo Huyện ủy, Đảng ủy xã vui mừng thành lập Chi bộ Đảng Phá Đáy thuộc Đảng bộ xã Châu Bính, đánh dấu một mốc quan trọng, đó là huyện Quỳ Châu chính thức xóa bản trắng chi bộ. Ông Đậu Ngọc Long – người dẫn đường cho tôi vào đây, là Đảng ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã được tăng cường vào làm Bí thư Chi bộ Phá Đáy. Ông Long hồ hởi: “Chi bộ có 5 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên người sở tại, 3 đảng viên chính thức và 2 đảng viên dự bị, có 1 đảng viên nữ là đồng chí Vi Thị Yến, sinh năm 1993. Chi bộ đã và đang phấn đấu mỗi năm kết nạp đảng cho 1 đến 2 quần chúng ưu tú”.

Ông Long cũng chia sẻ cho tôi biết nhiều công việc mà chi bộ đã và đang được triển khai nhằm phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại Phá Đáy. “Thực hiện Nghị quyết của chi bộ bản, cán bộ, đảng viên đang vận động bà con trồng cây lúa nước nhằm đảm bảo lương thực, hiện nay đã trồng được 3,75 ha. Tiếp theo là trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt tập trung vào trồng cây mía nguyên liệu, chăn nuôi lợn, vịt. Trước mắt, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước để bà con làm theo, sau đó mời cán bộ chuyên môn vào tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi cho bà con. Vừa rồi, bản mới phát hỗ trợ 15 con lợn giống và 425 con vịt giống cho các hộ trong bản. Tất cả đều được thực hiện công khai, dân chủ”.

Hôm theo chân ông bí thư chi bộ vào bản, tôi còn được chứng kiến người dân hồ hởi tập trung về nhà ông trưởng bản để ký nhận vào hợp đồng nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Dù nét bút của nhiều người còn ngượng ngịu khi ký vào bản hợp đồng, nhưng tấm lòng của người dân Phá Đáy thì đã sáng rõ lắm! Họ phấn khởi khi biết mình được tham gia vào bảo vệ rừng đầu nguồn của Nhà nước. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của người dân Phá Đáy. Bởi với người dân Phá Đáy, chính rừng xanh bạt ngàn kia đã cưu mang họ trong những lúc khốn khó nhất của cuộc đời. Vui hơn nữa, gia đình nào cũng nhận được tiền hỗ trợ hàng năm của tỉnh cho công việc của mình. Anh Lương Văn Quý – Bí thư chi đoàn bản đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2011, vui vẻ cho biết: Thực hiện cuộc vận động của Chi bộ Đảng, cả nhà đã trồng được 1,5ha mía nguyên liệu, khai hoang trồng lúa nước. Quan trọng hơn là mọi người đã tự tin hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng dân cư có mới, có cũ ở Phá Đáy”. Thế hệ trẻ như Quý là cầu nối quan trọng giữa một Phá Đáy cô lập, hiu quạnh và một Phá Đáy tràn trề sinh khí hôm nay.

Phá Đáy hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất trên con đường đổi mới, điện lưới quốc gia chưa có và con số thống kê 100% hộ nghèo mà ông bí thư chi bộ cho biết là những minh chứng thuyết phục cho nhận định trên. Nhưng  chứng kiến sự năng nổ, nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của các đảng viên, cán bộ địa phương; sự hưởng ứng, chung sức của cộng đồng cư dân Phá Đáy, tôi tin rằng bình minh mở ra một thời kỳ ấm no đang hiệu hữu ở mảnh đất này.

Thành Duy