(Baonghean) - Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 (ngày 29/11/ 2006), trong đó điều 11 quy định những nội dung cụ thể về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
 
images1554303_binh_dang_gioi1.jpgẢnh minh hoạ - Nguồn Internet
 
Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010, trong đó mục tiêu thứ nhất là: “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”. Sau 10 năm thực thi luật và  6 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia, mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị vẫn chưa đạt được. 
 
Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đề ra mục tiêu: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên 35%; phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Theo báo cáo của Chính phủ thì các chỉ tiêu trên đây đều chưa đạt... 
 
Thực tế cho thấy, thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đang là một vấn đề khó hiện nay. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác. Khi phụ nữ được giao các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị thì việc xây dựng và thực thi pháp luật cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến bình đẳng giới sẽ thuận lợi hơn.
 
Hơn ai hết, phụ nữ hiểu rõ giá trị của bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và trong cuộc sống gia đình. Bởi vậy, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động chính trị là tăng sức mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện quyền bình đẳng giới. Tiếng nói của các nhà lãnh đạo nữ trên chính trường cũng như trong hệ thống chính trị có sức lay chuyển mạnh mẽ đối với nhận thức và hành động của cộng đồng trong thực hiện quyền bình đẳng giới.
 
Sau đại hội khóa XII của Đảng, lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Bên cạnh một số nữ bộ trưởng đã có một số bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố là nữ. Đó là những tín hiệu tích cực báo hiệu một thời kỳ mới về thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Chúng ta hy vọng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này, số đại biểu là nữ sẽ đạt trên 35% như Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đã đề ra. 
 
Tuy nhiên, thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ đơn thuần là quy định tỷ lệ nữ được cơ cấu trong các cuộc bầu cử của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể khác. Bất bình đẳng đối với phụ nữ là căn nguyên sâu xa tạo nên khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
 
Phụ nữ vẫn đang phải chịu những định kiến nặng nề như: tư duy phụ nữ hạn chế so với tư duy nam giới, phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho gia đình nên ít có điều kiện tham gia hoạt động chính trị, tâm lý tự ti của phụ nữ hạn chế sự phát triển năng lực và sở trường… Chừng nào những định kiến đó chưa được gạt bỏ thì điều kiện tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ vẫn còn bị hạn chế.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Giải phóng  phụ nữ là cuộc cách mạng to lớn nhất, quan trọng nhất”. Chỉ có giải phóng hoàn toàn phụ nữ thì khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị mới được khắc phục.
 
Trần Hồng Cơ