Tập đoàn Central Group của tỷ phú giàu nhất Thái Lan vừa vượt qua một loạt các đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ khoảng 1,04 tỷ USD, tương đương 23.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước khi mua Big C Việt Nam, Tập đoàn này đã thực hiện nhiều thương vụ trong ngành bán lẻ. Đến nay, các hoạt động kinh doanh của Central Group phát triển khá đa dạng từ hàng điện máy, thể thao, thời trang và trung tâm thương mại. Ở Việt Nam, tập đoàn có hơn 6.600 nhân viên làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau.
Central Group được sáng lập năm 1927, hiện hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các cửa hàng, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tài sản lớn nhất của Tập đoàn là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).
Central Group Việt Nam được thành lập từ tháng 7/2011 sau khi ông Chirativat - Chủ tịch Central Group đưa ra nhận định: “Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ”.
Ngành hàng thời trang
Lĩnh vực thời trang của Central Group Việt Nam hiện sở hữu gần 60 trung tâm mua sắm và cửa hàng. 4 trung tâm mua sắm lớn của Tập đoàn là Robin và Mark & Spencer tại Hà Nội, TP HCM hướng tới người tiêu dùng là giới trẻ với nhu cầu sống đa dạng.
Những mặt hàng chính tại đây bao gồm thời trang cho mọi đối tượng cùng đồ gia dụng, mỹ phẩm, nước hoa, túi xách... Các trung tâm này tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp đến từ các nước trên thế giới, trong đó hàng Thái Lan chiếm số lượng lớn.
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có 27 cửa hàng thể thao (SuperSports, Crocs, New Balance, Speedo) và 30 cửa hàng thời trang với nhiều thương hiệu châu Á, châu Âu.
Ngành điện máy, thương mại điện tử
Đầu năm 2015, Central Group công bố việc mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Tuy giá trị giao dịch không được tiết lộ nhưng sau thương vụ này, Central chính thức tham gia vào lĩnh vực điện máy và thương mại điện tử là 2 hoạt động chính của công ty này.
Nguyễn Kim được thành lập năm 2001, hiện có 22 siêu thị điện máy và là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Trong năm tài chính kết thúc 31/3/2014, công ty đạt doanh số bán hàng hơn 8.400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 352 tỷ đồng.
Sau khi Central Group mua số cổ phần nói trên, Nguyễn Kim đặt mục tiêu có hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019.
Siêu thị bán lẻ ở nông thôn
Bên cạnh những dự án và thương vụ đã công bố, gần đây Central Group cho biết từ cuối năm ngoái mới chào đón thêm đối tác chiến lược mới là Công ty Lan Chi. Đây là đơn vị bán lẻ tập trung vào một thị trường chưa được khai thác, nhằm mục đích phục vụ người dân khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam.
Công ty Lan Chi được thành lập năm 1995, khởi đầu là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện phân phối hàng tiêu dùng tại địa bàn phía Tây Hà Nội. Lan Chi hiện có một kênh phân phối hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị ở các vùng ngoại thành.
Ngoài hệ thống rộng lớn trong lĩnh vực bán lẻ, hiện Central Group Việt Nam còn có Tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara với Khu nghỉ dưỡng cao cấp Centara Sandy Beach Resort Đà Nẵng có 118 phòng.
Có thể nói, với thương vụ mua lại Big C Việt Nam, hệ thống phân phối của Central Group đã phát triển rộng khắp từ thành thị tới nông thôn, từ ngành thời trang, tiêu dùng cho tới điện máy...
Với thương vụ này, nhiều chuyên gia cũng lo ngại việc hàng Thái tràn ngập các siêu thị trong hệ thống, cùng với đó, hàng Việt cũng mất dần cơ hội và có thể thua ngay trên sân nhà.
Theo Vn Express