(Baonghean.vn) - Ngày 17/2, lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng súng hơi cay đối phó với hàng trăm người biểu tình chống lại dự án xây dựng mỏ khai thác vàng và kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực Biển Đen, khiến ít nhất 1 người bị thương.

Người dân địa phương lập hàng rào chắn và đậu xe ở các vị trí quan trọng ở thị trấn và đường lên núi để ngăn cản phương tiện của chủ đầu tư tiến hành thi công. Ảnh: AFP/Getty Images
Người dân địa phương lập hàng rào chắn và đậu xe ở các vị trí quan trọng ở thị trấn và đường lên núi để ngăn cản phương tiện của chủ đầu tư tiến hành thi công. Ảnh: AFP/Getty Images

Những người vận động vì môi trường đã lập hàng rào, đốt cháy vật liệu và cành cây trước khu vực dự kiến khai thác vàng ở vùng Alvin thuộc khu vực Biển Đen để ngăn cản việc triển khai dự án. Người dân địa phương còn đỗ xe ô tô ở các địa điểm huyết mạch trong thị trấn và trước các ngả đường lên núi để ngăn chặn phương tiện vận tải thi công dự án. 

Cảnh sát đã được điều tới quận Cerrattepe, Artvin để đảm bảo cuộc biểu tình ko đi quá xa. Nese Karahan, người đứng đầu Hiệp hội Môi trường Artvin nói, “Người dân Artvin kịch liệt phản đối dự án này”. Hiện Nese và một số người biểu tình khác đang bị cảnh sát tạm giữ. Một người biểu tình cũng đã bị thương trong lúc xảy ra va chạm.

Chủ đầu tư dự án khai thác mỏ vàng là Tập đoàn cổ phần Cengiz. Trước đây, dự án này đã bị tạm dừnger do gặp phải phản ứng gay gắt của các nhóm vận động vì môi trường. Sau đó dự án được cấp phép thi công trở lại khi báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường địa phương được thông qua. Giám đốc điều hành tập đoàn này được xem là có quan hệ rất thân cận với Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Những người biểu tình đang chạy trốn hơi cay do cảnh sát tung ra. Ảnh: AFP/Getty Images

Artvin là khu vực thuộc Đông Bắc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vùng giáp ranh với Georgia. Với nền khí hậu ẩm, nhiều khu rừng xanh tốt và cảnh đẹp hùng vĩ, đây vốn được xem là một trong những vùng trọng điểm về bảo vệ môi trường ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cuộc biểu tình hiện đang thu hút sự chú ý của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2013, các cuộc biểu tình tương tự ở địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường đã diễn biến thành phong trào nổi dậy chống lại chính quyền. 

Huyền Trân

(Theo The Guardian)

TIN LIÊN QUAN