Cho đến nay, biểu tình đã xảy ra ở hơn 20 quốc gia tại Trung Đông, Đông Nam Á cũng như ở châu Âu.

Cùng ngày, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim được cho là có nội dung phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed đã lan sang một số nước Đông Nam Á.

Tại Indonesia, nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, các cuộc biểu tình trong ngày 17/9 đã biến thành bạo lực khi khoảng 700 người biểu bình ném bom xăng và xung đột với lực lượng cảnh sát bảo vệ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Jakarta. Cảnh sát đã bắt giữ một số kẻ gây rối. Buổi sáng, một nhóm sinh viên đã dẫm đạp lên cờ Mỹ và ném trứng vào phái bộ ngoại giao của Mỹ tại thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia.

Biểu tình chống Mỹ lan sang Đông Nam Á ảnh 1
Hàng ngàn người biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi ở thủ đô của Afghanistan (Ảnh: Reuters)

Tại thành phố Marawi miền Nam Philippines, khoảng 3.000 người Hồi giáo tập trung tại quảng trường ở trung tâm thành phố để biểu tình phản đối bộ phim trên. Những người biểu tình đã dẫm đạp, đốt cờ Mỹ và cờ Israel.

Giới chức cảnh sát Philippines cho biết, an ninh đã được tăng cường tại các đại sứ quán nước ngoài, thậm chí tại các khu nhà ở dành cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại miền Nam Philíppines, để đề phòng xảy ra các vụ tấn công.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan thông báo sẽ đóng cửa vào trưa 18/9 nhằm đối phó với kế hoạch biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi tại đây. Theo người phát ngôn đại sứ quán, cuộc biểu tình có thể sẽ gây tắc nghẽn giao thông tại khu vực, đồng thời bày tỏ lo ngại cuộc biểu tình hòa bình ban đầu có thể sẽ biến thành biểu tình bạo lực. Mặc dù cho biết chưa nhận thấy mối đe dọa đặc biệt nào đối với công dân Mỹ tại Thái Lan, song nhà chức trách Mỹ vẫn kêu gọi công dân Mỹ tại Thái Lan "hết sức thận trọng".

Sau khi nhà quản lý Internet ở Malaysia có kiến nghị chính thức, trang tìm kiếm thông tin Google đã bắt đầu cấm truy cập tại Malaysia bộ phim vốn được xem là mồi lửa cho làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới Hồi giáo này.

Người phát ngôn trang chia sẻ hình ảnh Youtube, thuộc sở hữu của Google, cho biết đã bắt đầu hạn chế truy cập các clip của bộ phim tư nhân này kể từ ngày 16/9. Trước đó, Google cũng đã phong tỏa video này tại Indonesia, Libya, Ai Cập và Ấn Độ.

Ngày 17/9, khoảng 1.000 người tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô London (Anh), trong khi các cuộc biểu tình tương tự để phản đối đoạn phim phỉ báng đạo Hồi cũng lan rộng khắp châu Âu.

Những người biểu tình đem theo các khẩu hiệu phản đối Mỹ và lắng nghe các diễn giả lên án bộ phim, chính sách của Mỹ và “sự áp bức” đối với người Hồi giáo. Một người biểu tình nói: “Người Hồi giáo không chấp nhận sự xúc phạm này. Người ta không thể chấp nhận khi niềm tin bị xúc phạm. Chúng tôi ở đây kêu gọi người Hồi giáo nói lên ý kiến của mình mà không dùng bạo lực. Chúng tôi không chấp nhận bỏ qua điều này, nhưng cũng không phải im lặng và chấp nhận niềm tin bị phỉ báng”.

Cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình mặc dù có sự hiện diện của cảnh sát. Ngoài ra, hàng trăm người biểu tình cũng tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ tại Paris, Pháp và lãnh sự quán Mỹ tại Australia để phản đối bộ phim được đưa trên trang YouTube hôm 11/9.

Cho đến cuối tuần qua, các cuộc biểu tình lan rộng ở hơn 20 quốc gia tại các khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Ngoài ra, các vụ biểu tình biến thành bạo lực cũng xảy ra ở một số nơi. Tại Sudan và Tunisia, người biểu tình tìm cách tấn công sứ quán của các nước phương Tây, trong khi một nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ tại Lebanon bị đốt cháy và lực lượng gìn giữ hòa bình trên bán đảo Sinai, Ai Cập bị tấn công./.

Theo VOV - ĐT