Nga trình dự thảo nghị quyết lên Liên hợp quốc nhằm “cứu” Hiệp ước INF

ngacuuhiepuocinf_hrlk.jpgNga trình dự thảo nghị quyết lên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm bảo toàn Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân chiến lược Tầm trung (INF). Ảnh minh họa: Reuters

Người phát ngôn Phái bộ thường trực Nga tại Liên hợp quốc Fyodor Strzhizhovsky ngày 15/12 cho biết Nga trình dự thảo nghị quyết lên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm bảo toàn Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân chiến lược Tầm trung (INF). Theo người phát ngôn Strzhizhovsky, các hành động đơn phương của Mỹ tiến hành thủ tục để đình chỉ việc tuân thủ Hiệp ước đã đặt tương lai của Hiệp ước Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân chiến lược Tầm trung vào tình thế nguy hiểm. Nga kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghĩa vụ đã được quy định trong Hiệp ước.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov cho biết Nga chưa nhận được câu trả lời từ phía Mỹ liên quan đến đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thảo luận những bất đồng về Hiệp ước INF. Nga nhấn mạnh nước này sẵn sàng đối thoại chi tiết và cởi mở với Bộ Quốc phòng Mỹ về tất cả các vấn đề nổi cộm song phương nhưng 3 ngày sau khi Nga gửi đi thông báo, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức của Mỹ.

Biểu tình "áo vàng" bùng phát ở Áo và Italy

Biểu tình tại Italy. Nguồn: World Bulletin

Khi làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu ở Pháp đã có dấu hiệu hạ nhiệt, thì ngày 15/12, hàng nghìn người dân Italy đã xuống đường ở thủ đô Rome để biểu tình phản đối luật nhập cư và an ninh mới vốn đã được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và dương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn”.

Trong khi đó, cảnh sát Áo cho biết khoảng 17.000 người đã xuống đường tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 16/12 để tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ. Con số này vượt quá con số ước tính 10.000 người của các nhóm tổ chức biểu tình. Những người tham gia biểu tình chủ yếu phản đối chính sách di cư của nhà chức trách Áo, cũng như đề nghị giảm ngày làm việc và bãi bỏ những biện pháp khắc khổ.

Thẩm phán liên bang Mỹ tuyên bố Obamacare vi hiến

Affordable Care Act hay còn được biết đến với tên gọi Obamacare là một trong những đạo luật gây chia rẽ nước Mỹ từ năm 2010 đến nay. Ảnh: New York Times

Một thẩm phán tòa án liên bang ở bang Texas đã ra phán quyết vào ngày 14/12 cho rằng Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền (thường được biết đến với tên gọi Obamacare) là vi hiến, một quyết định nhiều khả năng sẽ bị kháng cáo lên tòa tối cao.

Một thay đổi trong luật thuế năm 2017 đã loại bỏ hình phạt cho việc không có bảo hiểm y tế, và thẩm phấn Reed O'Connor tại Fort Worth đã đồng ý với 20 bang khác rằng điều này làm vô hiệu đạo luật Obamacare. Đảng Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ Obamacare, đạo luật được đưa ra vào năm 2010 và được coi là thành tựu về mặt đối nội nổi bật nhất trong nhiệm kỳ ông Obama. Phe Cộng hòa đã nhiều lần cố gắng để bãi bỏ đạo luật này nhưng chưa thành công.

LHQ thúc giục điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Thắp nến tưởng niệm nhà báo Jamal Khashoggi bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "đáng tin cậy" về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Doha (Qatar) ngày 16/12, ông Guterres cho biết ông không nắm được thông tin gì về vụ việc này ngoài những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Ông cho rằng cần phải tiến hành một cuộc điều tra đáng tin cậy cũng như trừng trị những kẻ phạm tội. 

Huawei đối diện làn sóng “tẩy chay” trên thế giới

Ảnh minh họa: Reuters

Huawei, công ty bán điện thoại thông minh và sản phẩm viễn thông đang đối diện với sự hoài nghi từ Mỹ và các quốc gia khác khi các quan chức tại các nước này cảnh báo mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng từ việc sử dụng sản phẩm của công ty Trung Quốc.

Tuần qua, công ty viễn thông Orange của Pháp đã loại Huawei khỏi danh sách cung cấp thiết bị cho dự án mạng 5G trong khi công ty Deutsche Telekom của Đức tuyên bố họ đang xem xét lại việc hợp tác với công ty Trung Quốc. Ngoài ra, hai hãng viễn thông lớn Mỹ là Sprint (công ty con của hãng Softbank, Nhật Bản) và T-Mobile (công ty con Deutsche Telekom) tuần rồi đã tuyên bố họ sẽ từ bỏ thiết bị của Huawei. New Zealand và Australia đã ban hành lệnh cấm các công ty viễn thông tại 2 nước nhập sản phẩm Huawei cho dự án 5G. Tập đoàn BT của Anh tuần trước cũng tuyên bố họ sẽ không mua thiết bị Huawei trong kế hoạch 5G sắp tới.

Sri Lanka: Ông Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng

Ông Ranil Wickremesinghe (trái) tuyên thệ nhậm chức. Nguồn: newsfirst.lk

Ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức, trở lại giữ chức Thủ tướng Sri Lanka bắt đầu từ ngày 16/12, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 2 tháng sau khi chính trị gia này bất ngờ bị cách chức. Phát biểu trước báo giới, các nghị sỹ thuộc đảng Thống nhất Dân tộc của ông Wickremesinghe cho rằng việc bổ nhiệm ông Wickremesinghe trở lại đứng đầu chính phủ đã khôi phục nền dân chủ, và chính phủ mới từ lúc này sẽ nỗ lực thúc đẩy kinh tế, đồng thời đưa ra những đề xuất mới cho đất nước.

Trước đó ngày 15/12, Thủ tướng Mahinda Rajapakse, vốn được Tổng thống Sirisena bổ nhiệm trước đó, đã chính thức tuyên bố từ chức.

Cảnh sát Nicaragua bị tố đánh nhà báo

Cảnh sát chống bạo động đánh đuổi các nhà báo. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Nicaragua bị cáo buộc dùng dùi cui đánh đập ít nhất 7 nhà báo sau hàng loạt những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Daniel Ortega. Theo đó, nhiều nhà báo tập trung bên ngoài trụ sở Cơ quan cảnh sát quốc gia ở thủ đô Managua vào ngày 15/12, nhằm phản đối việc cảnh sát đột kích tòa soạn tuần báo Confidencial, tịch thu toàn bộ thiết bị, giấy tờ và sổ sách trong đêm 14/12.

Tổng biên tập tờ Confidencial, ông Carlos Fernando Chamorro cùng các phóng viên yêu cầu phía cảnh sát cung cấp thông tin về cuộc đột kích. Tuy nhiên, cảnh sát chống bạo động xuất hiện dùng dùi cui đánh đập Chamorro cùng nhóm phóng viên và cả những đồng nghiệp có mặt để đưa tin.

Tổng thống Nga lên tiếng bảo vệ các rapper

Một rapper trong chương trình biểu diễn ở thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết biện pháp cấm các ca sĩ nhạc rap (rapper) biểu diễn gần đây là “ý tưởng tồi tệ”, thay vào đó cơ quan chức năng nên tập trung phòng chống ma túy. Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng về Văn hóa và Nghệ thuật của chính phủ, Tổng thống Putin cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm cấm cản rapper biểu diễn là “kém hiệu quả nhất, thậm chí phản tác dụng”.

Văn hóa nhạc rap là một trong số những vấn đề tranh luận gay gắt tại cuộc họp. Trong vài tháng đây, Nga đã cấm một số chương trình biểu diễn nhạc rap với lý do ca sĩ quảng bá ma túy, ngôn ngữ khiêu dâm và kích ngòi bạo lực, theo đài RT.