Sự cố uống nhầm axit trên sân khấu Vietnam's Got Talent làm dấy lên tranh cãi về mức độ an toàn của các tiết mục mạo hiểm ở nhiều chương trình thực tế trong và ngoài nước gần đây.
Trong đêm bán kết Vietnam's Got Talent phát sóng trực tiếp tối 11/1, thí sinh Trần Tấn Phát biểu diễn tiết mục ảo thuật đoán và uống bốn cốc nước thường lẫn giữa một cốc axit. Màn thi này không thành công khi thí sinh uống nhầm cốc chứa axit gây bỏng miệng, họng.Bình luận về sự cố, khán giả đã đưa ra những ý kiến trái chiều. Độc giả có nick Lenhan cảm thán: "Trời ơi, ba mẹ con tôi thót tim khi xem truyền hình trực tiếp, thấy bạn này cầm cốc axit lên và uống... Nằm trong chăn ấm, con trai tôi vẫn 'lo cho chú ấy quá'. Cháu ám ảnh mãi không thôi". Còn khán giả honglinh20052007 cho rằng: "... Anh này quá liều, biết uống nhầm cốc axit còn cố uống thêm các cốc nước kia. Axit vào thực quản, dạ dày gây nguy hiểm".
Lý giải về nguyên nhân, nhiều người cho rằng, ảo thuật gia trẻ còn khá non tay nghề. Trước áp lực trên sân khấu, anh không kịp nhận ra cốc nước chứa axit, có thể đã được đánh dấu bằng thủ thuật. Nhưng cũng có người nghi ngờ Tấn Phát "cố đấm ăn xôi", chịu đau để gây chú ý. Một độc giả (giấu tên) nhận định, tất cả đều nằm trong kế hoạch được chuẩn bị trước của nam thí sinh. "Phát uống ly thứ nhất và giữ nước lại trong miệng. Ly thứ hai Phát chỉ chạm môi và nhổ nước ra ngay. Khi Phát uống ly có axit, anh ấy chỉ uống một ngụm rồi nhả ra ngay. Tôi đoán anh ta tính trước được nồng độ axit không tổn thương gì lớn và vẫn tiếp tục uống những ly nước còn lại để mọi người hoang mang", người này phân tích.
Các giám khảo như Thúy Hạnh, Huy Tuấn, Thành Lộc đều chia sẻ họ hoàn toàn bị động trong màn thi của nam thí sinh này. Dù trước khi bước vào đêm bán kết, màn thi của Tấn Phát được tập cẩn thận và suôn sẻ, việc ban tổ chức đặt niềm tin hoàn toàn vào màn biểu diễn và tay nghề của thí sinh cũng khiến khán giả cảm thấy lo lắng về mức độ an toàn của các tiết mục trong chương trình.
Gần đây, các tiết mục mạo hiểm xuất hiện khá thường xuyên trong các sân chơi truyền hình thực tế trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, rất nhiều thí sinh mang đến cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Việt các màn diễnrùng rợn như: nuốt trọn hàng chục con cá kèo còn sống, nhảy xe đạp địa hình ngang qua cơ thể người đang nằm dưới đất, dùng dây lò xo, dao sắt xuyên qua mũi, dùng móc để kéo giãn miệng, mũi, mắt hoặc dùng đầu đập đinh vào ván, dùng đầu đập vỡ 11 hũ sành, nằm trên dàn giáo sắt...
Chương trình Vietnam's Next Top Model qua từng mùa giải cũng có những phần thi gây kịch tính, thử thách sự can đảm và bản lĩnh của thí sinh. Người thi thường được sắp xếp chụp ảnh cùng rắn lục, trăn, các loài bò sát, côn trùng. Không chỉ vậy, họ còn đối diện với thử thách như treo người trên cần cẩu cao cách 15 m để làm mẫu, lơ lửng giữa không trungnhư diễn viên xiếc, hoặc đứng thẳng góc trên vách nhà cao tầng cách mặt đất 20m để tạo dáng... Còn sân chơi Cuộc đua kỳ thú (Amazing Racephiên bản Việt) cũng khiến thí sinh phải dồn toàn sức để vượt qua các chặng đường với nhiều thử thách mang đầy đủ yếu tố khám phá, phiêu lưu và hành động.
Làng truyền hình thực tế thế giới cũng xảy ra nhiều sự cố khi các thí sinh thực hiện những thử thách nguy hiểm. Năm 2008, trong một chương tình phổ biến của Ấn Độ có tên Khatron Ke Khiladi [Daredevils], thí sinh Anjar Khan, khi đó 22 tuổi, thực hiện thử thách ngâm mình trong bể nước trong thời gian lâu nhất có thể. Sau khoảng 3 - 5 phút kể từ khi Anjar Khan vào trong bể, nhà tổ chức phát hiện điều bất thường và lập tức đưa anh ra. Anjar đi bộ được vài bước rồi qụy xuống. Anh được đưa tới bệnh viện gần đó trong tình trạng nguy hiểm: mất ý thức, bị nước tràn vào phổi.
Tháng 12/2010, trong một game show được truyền hình trực tiếp của Đức có tên Wetten Dass (Bet It), người chơi Samuel Koch, 23 tuổi, bị tai nạn khi thực hiện màn nhào lộn trên nóc một loạt xe hơi đang di chuyển, và trượt ngã trên chiếc xe do chính bố anh cầm lái, đập đầu xuống đất. Anh bị đa chấn thương, phải phẫu thuật trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.
Nhà sản xuất Koh-Lanta - chương trình Survivor phiên bản Pháp - đã phải ngừng toàn bộ chương trình mùa 2013 ngay số đầu tiên, sau cái chết của một thí sinh khi đang quay tại một hòn đảo ở Campuchia. Gerald Babin bị đau tim sau khi thực hiện một số thử thách của chương trình. Anh được đưa lên máy bay để tới một bệnh viện gần đó nhưng đã qua đời trên máy bay. Sau cái chết của Gerald, bác sĩ của show, Thierry Costa, tự tử vì không chịu được áp lực.
Đầu tháng 1 năm nay, trong chương trình Lithuania's Got Talent, màn phi dao của một thí sinh cũng khiến giám khảo và khán giả thót tim. Trong khi người trợ lý đứng tựa vào một chiếc bảng với những quân bài dán xung quanh, người cầm dao liên tục phi vào các vị trí quanh đầu trợ lý. Một cú phi được cho là trúng ngón tay của người này, thay vì rơi vào tâm quân bài mà anh cầm trên tay.
Sau chuyện của Tấn Phát và nhiều sự cố xảy ra ở nước ngoài, câu hỏi về quy trình đảm bảo tính an toàn của các tiết mục mạo hiểm lại được công chúng đặt ra.
Giám khảo Thúy Hạnh, người thường được thí sinh mời hợp tác trong các màn thi mạo hiểm ở Got Talent, chia sẻ, mỗi lần lên sân khấu để diễn cùng thí sinh, chị thường rất hồi hộp và sợ. Thúy Hạnh cho biết, tất cả màn thi đều phải được duyệt cẩn thận và thử đi thử lại nhiều lần trước giờ diễn thật.
Đại diện của ban tổ chức Vietnam's Next Top Model cũng cho biết, tất cả thử thách đưa vào chương trình đều được chuẩn bị rất cẩn thận, với độ an toàn cao để đảm bảo tiết mục diễn ra suôn sẻ. "Các loài động vật như rắn, trăn, nhện... được đưa vào những buổi photoshoot đều không phải là động vật có nọc độc, và được đảm bảo chắc chắn không gây hại cho thí sinh. Tại mỗi thử thách, ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn ê-kíp y tế để kịp thời ứng phó các tình huống bất ngờ", vị đại diện này cho biết. Còn với những màn chụp ảnh thử thách thí sinh ở độ cao, ban tổ chức cho biết đều chuẩn bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như dây đai, dây - phao an toàn, nệm hứng thí sinh... nhằm tránh tối đa sự cố.
Nhà sản xuất Cuộc đua kỳ thú khẳng định, gameshow này vừa phải có yếu tố giải trí kịch tính và căng thẳng, mạo hiểm vừa phải đảm bảo sự an toàn cho người chơi. Để làm được như thế, những người thực hiện Amazing race phiên bản Việt luôn có sẵn êkíp cascadeur và bác sĩ đồng hành với thí sinh ở mỗi chặng thi. Ngoài ra, trước khi bắt đầu một mùa giải, chương trình có một bộ phận đi tiền trạm địa hình, có thành viên chuyên phụ trách chơi thử trước game (test game). Các thí sinh của chương trình này cũng đều được ban tổ chức mua các loại bảo hiểm theo đúng format về quyền lợi dành cho người chơi.
Theo VNE