(Baonghean) LTS: Sau khi đăng loạt bài "Sự việc xây dựng công trình trái pháp luật trên đất công và trách nhiệm của vị chánh xứ", số ra ngày 12, 13, 14, 15 và 16/3/2012, Báo Nghệ An đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của đông đảo bạn đọc. Trong số này, chúng tôi xin đăng tải tâm sự sâu sắc và trách nhiệm của độc giả Lê Văn Trí - một giáo dân họ Đồng Trấm, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn xung quanh vấn đề này!

 

Sinh ra trong thời điểm chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ký ức còn lại trong tôi là sự leo thang bắn phá miền bắc của đế quốc Mỹ. Sự tàn khốc đó đã cướp đi sinh mạng biết bao đồng bào, đồng chí của chúng ta, trong số đó có cả những đồng bào công giáo.

Thật là khủng khiếp, vào một ngày tháng 10 năm 1972, khi hàng chục hộ giáo dân tại Giáo xứ Quan Lãng - Tường Sơn, huyện Anh Sơn trên đường trở về nhà sau khi dự lễ tại nhà thờ đã phải gánh chịu hàng trăm quả bom của đế quốc Mỹ dội xuống. Đau thương thay trong số đó có một bà cụ tuổi đã ngoài 60, trong tay vẫn cầm quyển kinh thánh và bộ tràng hạt. Bà chết thảm trong sự đau đớn của dân làng và người thân.

Thi thể của bà không còn nguyên vẹn, đầu lìa khỏi cổ, một cánh tay bay lên mái nhà... Đó là một trong hàng triệu ký ức buồn của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đã thực hiện tại Việt Nam . Nhưng chiến thắng đã thuộc về chân lý, thuộc về nhân dân biết yêu chuộng hòa bình. Năm 1975 nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, Nam- Bắc sum họp một nhà, cả nước bắt tay vào xây dựng lại non sông đất nước.

Sau hơn 25 năm đổi mới, nhân dân ta thực sự phấn khởi, tự hào khi mà các mặt đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên. Sự đổi thay đã thực sự gõ cửa từng nhà, từng góc phố, mọi miền quê, từ nông thôn đến thành thị. Đặc biệt là sự đổi thay về cách nhìn và ứng xử với tôn giáo của Đảng ta. Lần đầu tiên một Đảng Cộng sản dám công khai và thừa nhận "Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với quá trình xây dựng đất nước....." từ đó mà Đảng ta đã có một cái nhìn tổng thể và đối xử thật sự công bằng với các tôn giáo. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng nằm trong bình diện đó. Người công giáo Việt Nam thực sự đã được hành đạo tự do theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính.

Là những giáo dân, chúng tôi thật sự cảm nhận được điều đó; minh chứng cho thấy: Về mặt cơ sở thờ tự, Nhà nước đã cho khôi phục, trùng tu, nâng cấp, làm mới các nhà thờ trong chiến tranh bị bom đạn phá nát, hoặc xuống cấp theo thời gian, người công giáo được đi lễ trong những ngôi thánh đường khang trang ngay giữa làng quê, phố xá nơi sinh sống, số lượng linh mục chăn dắt con chiên được Nhà nước cho phép đào tạo nhiều hơn. Từ bao đời nay là những con chiên của Chúa, tôi thấy đi lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện Chúa ban phúc lành cho tất thảy mọi người biết đoàn kết yêu thương, chia sẻ những khó khăn với cộng đồng, biết kính trọng ông bà, cha mẹ, kính trên, nhường dưới, sống thật thà, không tham của người, không làm chứng dối... Mười Điều răn của Chúa đã căn dặn mọi người như vậy.

Đó là về mặt tinh thần bà con công giáo phấn khởi lắm. Sự tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước hết là không phân biệt đối xử, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; công dân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào; mở rộng khuôn viên nhà thờ, xây thêm trường học, giáo lý khi hội đủ mọi điều kiện, theo đúng trình tự của Luật Đất đai, hiến pháp và pháp luật đều được Nhà nước, các cấp chấp thuận và ủng hộ.

Là những giáo dân, chúng tôi chưa thấy Nhà nước cấm đoán hoặc gây khó dễ bao giờ. Về mặt đời sống và các quan hệ xã hội, con em công giáo cũng bình đẳng như mọi công dân khác, cũng được tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đảm đương một số công việc phù hợp với khả năng và trí tuệ của mình. Nói chung, một con người sống trong xã hội Việt Nam đều được Nhà nước bảo hộ và quan tâm từ lúc còn nằm trong bụng mẹ như các chế độ: thai sản, vắc xin phòng bệnh, bảo hiểm y tế cho trẻ em, chế độ cho người già, người nghèo, lao động việc làm cho thanh niên, cơ hội thăng tiến cho những người có học hàm, học vị cao... người công giáo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, đều được bình đẳng và cơ hội như nhau.


Thời gian gần đây, trên địa bàn Giáo xứ Ngọc Long - Công Thành, huyện Yên Thành xẩy ra một số vi phạm của cha quản xứ Trần Văn Phúc. Là những giáo dân, những con chiên của Chúa, chúng tôi hàng ngày, hàng giờ đang cầu nguyện cho chính quyền địa phương, ban hành giáo, cha quản xứ và bà con giáo dân Ngọc Long nhận rõ được đúng và sai để sự việc được giải quyết đúng luật, trong hòa bình và thấu hiểu lẫn nhau.

Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi thiết tha đề nghị: Phương pháp làm việc khoa học, tuân thủ đúng mọi quy định của pháp luật. Về phía giáo dân, là con chiên với nhau, chúng tôi mong muốn bà con hãy thật sự bình tĩnh nhìn lại mình, đối chiếu với những điều trong kinh thánh và điều răn của Chúa xem thử mình làm như vậy đã đúng chưa? Chúa dạy chúng ta biết đoàn kết, yêu thương, tại sao chúng ta không đoàn kết yêu thương cùng với bà con lương dân ở Công Thành xây dựng quê hương giàu đẹp, trong đó có lợi ích của chúng ta. Theo chúng tôi, linh mục quản xứ Ngọc Long Trần Văn Phúc và bà con không nên manh động tự xây dựng các công trình trái pháp luật, vì mọi tổ chức, công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật.

Là những người công giáo chúng ta ai cũng biết rằng: "Mở rộng nước Chúa chính là gieo vào lòng người sự yêu thương, đoàn kết, chứ không phải mở rộng nước Chúa bằng cách xây dựng thêm một vài công trình hoặc thêm vài khu đất". Chúng ta hãy tự răn và nhìn lại mình, Thiên chúa sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét mọi người. Chúng ta hãy làm việc thiện, đoàn kết yêu thương, hợp tác với chính quyền, chung tay xây dựng cuộc sống này tốt đẹp hơn để đón Chúa trở lại trong vinh quang. Vinh quang đó Chúa Giêsu đã phải đóng đinh trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại.

Đối với dân tộc ta, vinh quang đó đã phải đổi biết bao sự hy sinh của các thế hệ nhân dân mới giành lại được từ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc. Dù cực khổ, gian nan nhưng cuối cùng chiến thắng vẫn thuộc về nhân dân ta, thuộc về những người biết yêu chuộng hòa bình và công lý. Hơn ai hết, người công giáo hôm nay chúng ta hãy ý thức được rằng "nước có vinh thì đạo mới sáng".

Lê Văn Trí (Giáo dân họ Đồng Trấm, xã Hùng Sơn, Anh Sơn)