(Baonghean) – Nói về lực lượng công an, Bác Hồ viết: “Anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng chục triệu tai-mắt-chân-tay. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong!”. (Hồ Chí Minh-Bài “Tư cách người Công an Cách mệnh”, 1948)
 
Tờ nội san có tên là “Bạn Dân” có thể xem là tờ báo đầu tiên của ngành Công an nhân dân Việt Nam. Tết Mậu Tý (1948), Bạn Dân ra số Tết, đồng chí Hoàng Mai bấy giờ là Giám đốc Sở Công an khu 12 (phụ trách 6 tỉnh Việt Bắc) trân trọng gửi Bác Hồ một số. Bác đọc rất kỹ và sau đó Người viết lá thư. Đồng chí giám đốc sở nhận được thư Bác. Bức thư chưa đầy 400 chữ, mở đầu Người hoan nghênh Bạn Dân đã có nhiều cố gắng. Điều đặc biệt là trong thư, Người yêu cầu một số phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng cần phải có, cần phấn đấu và giữ gìn. Đó là 6 điều:
 
-Đối với tự mình phải cần, kiêm, liêm, chính;
-Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ;
-Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành;
-Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép;
-Đối với công việc phải tận tuỵ;
-Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo!
 
Ở điều 6, yếu tố cương quyết và khôn khéo rất đặc trưng cho ngành Công an, dù ở đâu và lúc nào...

Còn nhớ, tại lễ đưa tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ngày 31/5/1946, Cụ Huỳnh Thúc Kháng (bấy giờ đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, được Bác giao quyền Phó Chủ tịch nước thời gian Bác đi công tác) ứng khẩu chúc Bác lên đường bằng một câu chữ Hán: “Lợi thiệt đồ chí” (Dùng lời nói phải để thuyết phục). Bác Hồ vui vẻ đáp lại: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” (Lấy sự kiên định ứng phó với mọi biến hoá). Câu nói giàu chất minh triết, thâm thuý của một người hiền phương Đông này, không ngờ đã trở thành phương châm chỉ đạo cả tư tưởng, lối suy nghĩ và hành động cho Cách mạng Việt Nam nói chung, cho ngành Công an nói riêng.

 Một chiến sỹ công an đang giúp dân tránh bom trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ tại phà Bến Thủy  - (ảnh tư liệu).

Sáu điều Bác dạy ngành Công an Việt Nam, trong thư viết tháng 3/1948, đến mãi sau này vẫn còn tươi mới giá trị thời sự, trở thành định hướng cho mục đích phấn đấu, cho phẩm chất đạo đức, cho tinh thần tấn công tội phạm và ý thức tận tuỵ phục vụ nhân dân... Đề ra những tiêu chí phấn đấu của người Công an nhân dân, mặt khác Người luôn theo dõi và biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu.
 
Ngày 20/1/1969, cán bộ chiến sĩ Công an TP.Vinh vô cùng tự hào được nhận lẵng hoa của Bác Hồ gửi tặng, vì trong năm 1967, cán bộ chiến sĩ Công an thành phố đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững mạch máu giao thông, góp phần đảm bảo cho hàng vạn lượt ô tô vận chuyển hàng hoá chi viện chiến trường miền Nam, vạch các phương án chống gián điệp, bịêt kích, đấu tranh khám phá nhiều vụ án hình sự, bắt hơn 150 tội phạm các loại, bắt tập trung cải tạo nhiều tên khác...

 Công an TP. Vinh dâng hương báo công với Bác tại khu Di tích Kim Liên.

Vẫn còn tồn tại một bộ phận công an không thực hiện lời dạy của Bác, họ đi ngược lại những điều Người đã ký thác năm nào, dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường, nhân dân thì buồn phiền, ca thán. Bởi vậy, 11 năm sau, lá thư gửi đồng chí Hoàng Mai, trong bài thơ “Tặng Công an Nhân dân” viết tháng 11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc lại: “Công an không chỉ trung thành với Đảng mà còn phải tận hiếu với dân. Công an của ta là Công an Nhân dân. Nếu phấn đấu làm được như thế, họ sẽ mãi mãi thuộc về nhân dân. Mãi mãi, họ là Bạn Dân!”.

Kim Hùng