Quan trọng nhất là chất lượng thực tế
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đến thời điểm này, số học sinh đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường ở quận là 96%, tăng gần 10% so với thời điểm mới triển khai Chương trình.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về “bí quyết” của mức tăng khá mạnh này, ông Vũ cho biết, việc tuyên truyền chỉ là một phần. Điều quan trọng nhất là phụ huynh và học sinh thấy chương trình đã tạo yên tâm, tin tưởng cho họ khi đi vào thực tế. “Trực tiếp sử dụng và cảm nhận là quan trọng nhất, chứ nói có hay đến mấy mà làm không tốt thì không thể thuyết phục được phụ huynh và học sinh”.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng sữa học đường nói riêng và thực phẩm nói chung để có thể “vào” được nhà trường thì quan trọng nhất là thương hiệu đó phải rất mạnh, đảm bảo chất lượng và phải chứng minh trên thực tế.
Nhiều lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo và các nhà trường đều đánh giá: Không chỉ chất lượng sữa mà Chương trình được triển khai một cách rất chuyên nghiệp, bài bản. Trong đợt tập huấn, ban tổ chức cũng hướng dẫn các đơn vị nhà trường về công tác tiếp nhận sản phẩm, lưu kho bảo quản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn nhà trường cách tổ chức uống sữa để hiệu quả trong quá trình thực hiện chương trình.
Rất cần sự chủ động “vào cuộc” của nhà trường và phụ huynh
Nhiều trường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, do đặc thù nằm ở khu vực phố cổ, phố cũ nên có cơ sở vật chất rất hạn hẹp. Tuy nhiên, để chất lượng sữa không bị ảnh hưởng từ lúc nhận bàn giao đến khi cho trẻ uống, các trường đều ưu tiên bố trí những vị trí phù hợp làm kho để sữa học đường.
Lãnh đạo trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, cho biết: Vinamilk còn triển khai khảo sát tại các đơn vị để xác định kho bãi, nhu cầu sử dụng của nhà trường để sản xuất và giao hàng đúng thời hạn, do vậy bản thân nhà trường khi tiếp nhận cũng có ý thức bảo quản, vận chuyển sữa từ kho đến tay học sinh sao cho an toàn nhất, tránh việc chất lượng sữa bị ảnh hưởng vì những tác động bên ngoài như nhiệt độ quá nóng hay quá ẩm thấp, đảm bảo không có chuột bọ…
Về phía phụ huynh, không ít bậc cha mẹ còn băn khoăn về có quyền và nghĩa vụ tới đâu trong việc giám sát xem bữa ăn nói chung và sữa nói riêng mà con mình sử dụng ở trường học có thực sự an toàn?.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hà Nội, khẳng định nhấn mạnh tới vai trò và trách nhiệm giám sát việc thực hiện Chương trình Sữa học đường của chính các vị phụ huynh khi cho rằng: Theo quy định, Ban đại diện Cha mẹ học sinh của trường, của lớp nằm trong thành phần giám sát bữa ăn học đường của con em mình và với thực phẩm sữa cũng như vậy, chúng tôi rất khuyến khích và mong muốn sự tham gia tích cực của phụ huynh trong Chương trình này.
Vì vậy, ông Tiến khẳng định, phụ huynh chỉ cần thông báo và đăng ký với bộ phận chức năng của trường con em mình đang học để được thực hiện vai trò giám sát của mình trong tất cả các khâu, từ giao nhận, bảo quản đến khâu tổ chức cho trẻ uống sữa hàng ngày. “Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý trên tinh thần xây dựng của phụ huynh và sẵn sàng điều chỉnh nếu góp ý đó là hợp lý” - ông Tiến cho hay.
Cũng theo ông Tiến, tất cả các lô sữa nhập vào nhà trường đều có lưu nghiệm, dán tem niêm phong trên đó ghi ngày giờ giao nhận sản phẩm để đảm bảo khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra về an toàn thực phẩm đều có cơ sở xem xét lại một cách chính xác nhất.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Quận Tây Hồ, Hà Nội thì đề cao vai trò tổ chức thực hiện của chính ban giám hiệu các nhà trường. Dù Quận Tây Hồ đã đạt tới 96% số học sinh tham gia nhưng ông Vũ cho biết con số này chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu thực tế của học sinh. Một số trường ngoài công lập trên địa bàn quận chưa nhận thức đúng và đủ về Chương trình Sữa học đường nên chưa triển khai thực hiện.
Chính vì vậy, ông Vũ cho hay Phòng Giáo dục – Đào tạo đã rất quyết liệt yêu cầu các trường ngoài công lập phải chủ động “vào cuộc”ngay trong thời gian tới. “Không chỉ nghe báo cáo mà tôi sẽ trực tiếp đến dự buổi triển khai Chương trình Sữa học đường đến cha mẹ học sinh của các trường này để hiểu phụ huynh mong muốn hay còn băn khoăn gì để có giải đáp kịp thời. Còn việc có đăng ký tham gia hay không khi ấy là quyền lựa chọn của phụ huynh. Nhưng tôi tin, nếu được triển khai và cung cấp đầy đủ thông tin, phụ huynh sẽ rất muốn đăng ký cho con tham gia”, ông Vũ nói.
Chúng tôi sẽ giám sát
Bà Quỳnh Như, Phó Ban Gia đình – Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: Nếu thực hiện tốt Chương trình Sữa học đường sẽ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, thêm một điều kiện để đảm bảo thế hệ mầm non phát triển tốt nhất.
Với vai trò, chức năng của Hội Liên hiệp Phụ nữ, bà Quỳnh Như cam kết sẽ thực hiện tốt có nhiệm vụ giám sát bảo đảm an toàn Sữa học đường, đảm bảo mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của Chương trình được đảm bảo, bảo vệ quyền lợi thiết thực cho trẻ em và sự hài lòng của các bà mẹ.