Hãng RT đưa tin, các nhà khoa học tại Đại học Cape Town (Nam Phi) đã sáng tạo ra loại gạch đặc biệt, thân thiện với môi trường. Nhóm nghiên cứu trẻ đã thu thập nước tiểu từ nhà vệ sinh nam của khoa kỹ sư bên trong trường, sau đó trộn cùng cát và loại vi khuẩn sản sinh enzyme urease.

Quá trình kết tủa carbon vi khuẩn đã giúp hỗn hợp đông cứng lại ở nhiệt độ phòng, không giống gạch thông thường phải nung trong các lò đốt nhiệt độ cao 1.400 độ C, giải phóng rất nhiều khí CO2. Cụ thể, chất enzyme urease đã phân hủy urê trong nước tiểu, đồng thời sinh ra calcium carbonate thông qua phản ứng hóa học.

143751-1.jpg
Gạch sinh học được tạo ra từ nước tiểu, cát và vi khuẩn. Ảnh: RT

“Bạn càng để những con vi khuẩn nhỏ bé hoạt động lâu bao nhiêu, sản phẩm gạch sẽ càng cứng bấy nhiêu. Chúng ta có thể tối ưu hóa quá trình này”, trưởng nhóm nghiên cứu Dyllon Randall cho biết.

Độ cứng và hình dạng của gạch sinh học có thể biến đổi theo ý muốn. Đặc biệt, vật liệu xây dựng này còn có khả năng cứng hơn gạch đá vôi đến 40%.

Hơn thế, quá trình sản xuất gạch sinh học này tạo ra phụ phẩm là nitrogen và kali, có thể dùng để sản xuất phân bón.

Theo nhà nghiên cứu Randall, nước tiểu chính là “vàng lỏng”. Về số lượng, nước tiểu chiếm chưa đầy 1% nước thải gia đình, tuy nhiên nó chứa đến 80% nitrogen, 56% phosphorus và 63% kali trong nước thải.