Theo ban hộ tự chùa, Bảo Quang tự được xây dựng từ cuối thời Trần ở làng Ngọc Đình, xã Chung Cự nay là xã Kim Liên. Tên nôm của chùa là Chùa Đạt. Ảnh: Huy Thư Tại chùa Đạt còn lưu giữ được 1 tấm bia cổ cao khoảng 1,6m, rộng 0,9m, dựng trước sân chùa. Theo tư liệu, bia được lập vào đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 3 (1621): "Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tam cốc nguyệt nhật”, tính đến nay đã 400 năm. Ảnh: Huy Thư
.
Tấm bia có 2 mặt, mặt trước khắc dòng chữ Hán lớn: “Chung sơn Bảo Quang tự bi” (Bia chùa Bảo Quang núi Chung) còn mặt sau là dòng chữ “Thập phương tín thí công đức”. Diềm bia, trán bia trang trí hoa văn, hình Lưỡng long triều nhật, hình sóng nước rất tinh xảo. Mặt trước bia có 25 hàng chữ, mặt sau 11 hàng. Toàn bộ văn bia có khoảng 1.500 chữ Hán, tất cả còn sắc nét. Ảnh: Huy Thư
Nội dung văn bia nói về việc trùng tu chùa Đạt quy mô lớn vào năm 1617 với kiến trúc đồ sộ. Trong văn bia còn cho biết một số nhân vật có danh tiếng đương thời là con em xứ Nghệ đã đứng ra trùng tu chùa như Quang tiến Thận lộc đại phu Nguyễn Hoành Tài, Đô chỉ huy sứ Hoàng Nghĩa Phúc hay Dũng Trí hầu phu nhân Hoàng Thị Ngọc Bảo... Mặt sau của bia ghi tên tuổi những người cúng dường công đức tu tạo chùa. Văn bia do Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các học sĩ Quốc tử giám Tế tửu Nghĩa Khê hầu Trụ quốc, Tuyết đường Nguyễn Lễ Thuần phụng soạn. Bia cổ chùa Bảo Quang là hiện vật quý, có giá trị nhiều mặt trong việc nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật… Ảnh: Huy Thư Trong chùa Bảo Quang còn lưu giữ 4 pho tượng đá cổ được tôn trí trên những bàn thờ xây bằng đá ong. Theo bà Hoàng Thị Hoa (68 tuổi) trưởng ban hộ tự chùa, khi chùa trở thành phế tích, phần lớn số tượng cổ của chùa đã bị mất mát, thất lạc. May rằng sau khi chùa khôi phục, mọi người đã tìm được 4 tượng đá cổ, trong đó có 3 tượng bị mất đầu. Ảnh: Huy Thư Điểm chung của các pho tượng này là tạc thân thể người trong tư thế ngồi thiền, có trang phục với hoa văn đơn giản, 2 tay giao nhau để trên đùi, phía sau lưng tượng nào cũng có 1 lỗ tròn sâu khoảng 4 cm, đường kính 6 cm. Ảnh: Huy Thư
Tượng đá còn đầu là 1 pho tượng tạc hình đức Phật ngồi thiền cao tầm 0,7m, 1 tay để trên đùi, 1 tay giơ lên, ngửa về phía trước Bố cục tượng cân đối hài hòa, đường nét mềm mại. Ảnh: Huy Thư Cũng theo bà Hoa, pho tượng này do 2 người dân của 2 xã mang đến trả. Phần thân tượng do 1 người ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên từng đem tượng về để trong vườn, sau đó đã mang tượng đến chùa trả vào năm 2015. Đầu tượng do 1 người dân ở xã Nam Lĩnh tìm thấy ngoài ruộng vào năm 1982. Sau một thời gian đi tìm hiểu, thấy chùa Đạt có tượng đá, thì mang đầu tượng đến trả và quả nhiên khi lắp đầu vào thân tượng thì khớp nhau. Ảnh: Huy Thư
Khảo sát thực tế ở Nghệ An, trong các chùa còn lưu giữ được tượng cổ, thì chủ yếu là tượng gỗ. Có thể nói, đây là những pho tượng Phật cổ bằng đá hiếm có ở tỉnh ta. Bà con phật tử ở chùa Bảo Quang rất phấn khởi vì điều này và luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ các pho tượng cổ. Ảnh: Huy Thư Ngoài bia cổ và tượng đá cổ, tại chùa Bảo Quang còn có hàng chục viên đá kê chân cột, có kích thước lớn, khoét rãnh sâu, được đẽo gọt công phu đang khuất lấp trong những bãi cây rậm rạp. Nằm trong quần thể di tích trên núi Chung, chùa Bảo Quang - chùa Đạt vốn là một ngôi chùa lớn, nơi có cảnh quan đẹp ở Kim Liên: “Vui nhất là cảnh chợ Cầu/ trên chùa dưới chợ, giữa lầu gác chuông”. Ảnh: Huy Thư