Sáng 20/11, các đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm các đồng chí: Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Hoàng Thị Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn; Moong Văn Tình - cán bộ Huyện đoàn Quế Phong có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Quế Phong.
Bất cập sau sáp nhập xã, xóm
Phản ánh với đại biểu Quốc hội, ông Trần Văn Đức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mường Nọc kiến nghị, thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Quế Phong nhập xã Quế Sơn vào xã Mường Nọc và lấy tên là xã Mường Nọc. Sau sáp nhập đã xuất hiện một số bất cập. Đó là những vấn đề về chính sách đối với cán bộ dôi dư; chế độ cho cán bộ thôn bản, nhất là sau sáp nhập diện tích, dân số, nhiệm vụ nặng nề hơn; việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, những thủ tục hành chính phát sinh...
Liên quan đến thực hiện chương trình nông thôn mới ở địa phương, cử tri bày tỏ bức xúc và phản ánh: mặc dù người dân đã hiến đất, hiến vườn nhưng khi tiến hành đo đạc lại diện tích, người dân lại tiếp tục mất thêm lệ phí.
Cử tri huyện Quế Phong cũng phản ánh các vấn đề liên quan đến việc đề nghị Nhà nước tạo điều kiện giao đất rừng sản xuất cho người dân; chế độ chính sách đối với người có công; các vấn đề sạt lở hư hỏng kênh mương và hệ thống thủy lợi sau mưa lũ trên địa bàn xã Châu Kim; bất cập trong quy hoạch điểm du lịch thác Sao Va; những phát sinh trong bình xét tiêu chí xã nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông,...
Chính sách phải gắn với nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân
Tiếp thu, trả lời, làm rõ ý kiến cử tri, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của cử tri huyện Quế Phong.
Liên quan đến nội dung phụ cấp của cán bộ thôn, xóm, bản sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, Bí thư Trung ương Đảngnhấn mạnh: Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, xóm bản nhằm tinh giản bộ máy. Việc sáp nhập đơn vị hành chính nhằm giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, đặc biệt Nghệ An là tỉnh thu ngân sách chưa đáp ứng được chi, mặc dù tỉnh đã quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở nhưng thực tế là chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đối với đề xuất của cử tri về chế độ bồi dưỡng cán bộ chi hội, chi đoàn, khôi phục chức danh thú y cơ sở, bất cập trong thực hiện hình thức chấm công cho cán bộ bán chuyên trách khối, xóm, bản đại biểu Quốc hội tiếp thu và sẽ phản ánh với UBND tỉnh, HĐND tỉnh.
Về đề xuất của người dân không có đất rừng để sản xuất, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết Chính phủ có chủ trương rà soát 3 loại đất rừng, đất của nông lâm trường sản xuất kém hiệu quả để giao cho người dân sản xuất. Đề nghị tỉnh Nghệ An, huyện Quế Phong cần phải rà soát để thực hiện Luật Lâm nghiệp mới để giao đất, cho thuê đất rừng để người dân có điều kiện để sản xuất.
Làm rõ băn khoăn đổi mới giáo dục của cử tri, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết: "Việc đổi mới nhằm giảm tải chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, khối lượng kiến thức, phát huy năng động, sáng tạo trong học sinh. Dù đổi mới không được xa rời truyền thống văn hóa. Đại biểu Quốc hội ghi nhận tiếp tục phản ánh với Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa".
Ghi nhận phản ánh của cử tri về việc người dân hiến đất nhưng lại mất thêm lệ phí khi đo đạc lại diện tích đất, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Chính sách vĩ mô của Nhà nước phải bắt nguồn từ mong muốn, nguyện vọng, gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân và tất cả đều nhằm phục vụ cho người dân. "Nếu quy định của Chính phủ chưa sửa kịp thì tỉnh, huyện cần trích ngân sách hỗ trợ, nhằm khuyến khích động viên những người dân đã hy sinh quyền lợi cá nhân cho lợi ích chung của cộng đồng và địa phương. Đại biểu Quốc hội tiếp thu để báo cáo với cấp, ngành liên quan để Quốc hội sớm sửa đổi quy định này" - Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết.