Buổi làm việc nhằm khảo sát, thu thập thông tin, chuẩn bị các nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nội dung tập trung vào đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược; huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế tư nhân; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bùi Nhật Quang - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam…
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy và đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 8,0%. Năm 2018, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 34,25%, dịch vụ đạt 45,25%; phấn đấu năm 2019 tăng trưởng GRDP đạt khoảng 9-9,5% và năm 2020 tăng khoảng 9,5-10%. GRDP năm 2020 theo giá so sánh ước tăng 2,15 lần so với năm 2011 và ước tăng 1,41 lần so với năm 2016. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, năm 2020 ước đạt khoảng 48 triệu đồng, gấp 1,7 lần 2015.
Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược
Tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện thể chế, trọng tâm là cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm qua liên tục được cải thiện: Năm 2015 xếp thứ 32, năm 2017 xếp thứ 21, năm 2018 xếp thứ 19 của cả nước, đứng đầu 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, là vị trí cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số PAPI năm 2019 vươn lên đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Về phát triển nguồn nhân lực tỉnh đã chỉ đạo thực hiện phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020; ban hành chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế chính sách về đào tạo, dạy nghề được bổ sung, hoàn thiện. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động được nâng từ 48% năm 2013 lên 61% năm 2018.
Phát triển kinh tế tư nhân
Giai đoạn 2011 - 2018, doanh nghiệp tư nhân tỉnh Nghệ An tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, sau tỉnh Thanh Hóa). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 6-7%/ năm, vốn đăng ký bình quân đạt 4,82 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chủ trương của Đảng; tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, đạt hiệu quả tích cực.
Việc củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, nhất là vùng đặc thù, trong doanh nghiệp tư nhân được chú trọng. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đạt được những kết quả bước đầu.
Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được chú trọng. Việc thi hành kỷ luật đảng thực hiện nghiêm minh, kịp thời, tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Phát triển kinh tế bền vững, củng cố hệ thống chính trị cơ sở
Báo cáo với Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng và đoàn công tác về những kết quả đạt được của Nghệ An sau 3 năm thực hiện các chủ trương chính sách nói trên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, vẫn còn những vấn đề vĩ mô về chủ trương, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời, tác động đến các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể công tác cải cách hành chính chưa có sự thống nhất toàn quốc; khó khăn trong hoạt động đầu tư công, các tiêu chí về phát triển nhanh và bền vững chưa có sự quy định cụ thể. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế còn bị tác động bởi sự chồng chéo về luật và các văn bản pháp lý khác.
Đối với kinh tế tư nhân, mặc dù Nghệ An là tỉnh xếp thứ hai khu vực Bắc miền Trung về số lượng doanh nghiệp, nhưng vẫn thiếu các chính sách phù hợp đối với thành phần kinh tế này, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc quan tâm mô hình kinh tế hợp tác xã, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế, cần được bổ sung vào các khâu đột phá chiến lược.
Tuân thủ quy hoạch vùng trong phát triển kinh tế, Nghệ An cũng nhất quán theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi các tập đoàn kinh tế hỗ trợ, tư vấn công tác quy hoạch nhằm hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch. Nghệ An tập trung đột phá trong công tác cải cách hành chính, trong đó, năm 2019 được tỉnh chọn là năm cải cách hành chính.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những hạn chế, bất cập phát sinh do cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện hoặc đã có nhưng vẫn chưa theo kịp đời sống mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An nêu là những vấn đề rất quan trọng, có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, đây là cơ sở để Hội đồng đồng Lý luận Trung ương tiếp thu trong quá trình xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới.