Sáng 31/3, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác làm việc tại huyện Quỳ Châu. 

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Thanh An - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; và lãnh đạo một số sở, ngành.

 

bna_img_47209123732_3132022.jpgToàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
NHIỀU DẤU ẤN TRONG NĂM ĐẦU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã lãnh đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Quỳ Châu đã ban hành 11 chương trình, đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quỳ Châu hoàn thành 17/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đồng chí Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu trình bày báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 9,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 26,4 tỷ đồng. 

Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp có bước đột phá, diện tích trồng rừng đạt 4.267ha, đạt 224,6% kế hoạch, sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trên 311,8 nhìn tấn. Tiến độ xây dựng nông thôn mới đã có 1 xã và 5 bản về đích ngay năm đầu.

Đặc biệt, văn hóa - xã hội của huyện tiếp tục có nhiều điểm sáng, nhất là giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 99,6% và là một trong những địa phương tốp đầu trong khu vực miền núi của tỉnh về số học sinh giỏi; có 33/37 trường đạt chuẩn quốc gia, có 25/37 trường đã đạt kiểm định chất lượng các mức độ.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện được duy trì một cách đồng bộ, có hiệu quả, Quỳ Châu là huyện giữ vững vùng xanh lâu nhất trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trên địa bàn không có vụ việc nổi cộm phức tạp, an ninh trật tự, an ninh vùng đồng bào dân tộc được giữ vững, đảm bảo; tổ chức cuộc diễn tập khu vực phòng thủ huyện được tỉnh xếp loại Giỏi. 

Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, kết nạp đảng viên mới tăng cao, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Cán bộ, nhân dân thể hiện được sự đoàn kết, đồng thuận cao; là 1 trong 2 đơn vị cấp huyện có số cử tri đi bầu cử đạt 100%.

Tuy nhiên qua đánh giá cũng cho thấy, Quỳ Châu vẫn còn nhiều khó khăn. Hiệu quả thu hút đầu tư còn thấp. Sản phẩm chủ lực để trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường còn ít. 

Quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng.

Quỳ Châu là 1 trong 74 huyện nghèo cả cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành cũng đã trao đổi, đề nghị Quỳ Châu một số nội dung liên quan đến phát triển du lịch, giải quyết việc làm, hạ tầng giao thông, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng và các mô hình kinh tế;…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi chia sẻ với những khó khăn của huyện, đồng thời đề nghị quan tâm công tác giảm nghèo khi số hộ nghèo đang có hướng trẻ hóa; gắn với đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác đào tạo nghề… Và để Quỳ Châu phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu cần quyết liệt hơn nữa.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá Quỳ Châu đang đi đúng hướng. Trên cơ sở đó cần phải phát huy lợi thế, đặc biệt là về lâm nghiệp để phát triển kinh tế, đặc biệt là hoàn thành công tác giao đất, giao rừng cho người dân gắn với bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên đang có; đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển du lịch song hành với nông nghiệp;…

Đồng chí Bùi Thanh An - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả của huyện Quỳ Châu trong việc xây dựng, ban hành và triển khai nhanh các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Tuy nhiên, với một vùng đất còn nhiều khó khăn, huyện cần tập trung để khắc phục, đặc biệt là tránh được 3 nguy cơ là: nghèo và tụt hậu về kinh tế; những mặt trái trong quản lý rừng và đất rừng; suy giảm bản sắc. 

Đồng chí Bùi Thanh An - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT ĐỂ ĐỘT PHÁ

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ những khó khăn của huyện Quỳ Châu. Do đó, để phát triển huyện nhanh, đột phá hơn, người đứng đầu Tỉnh ủy nhận định, Quỳ Châu đã xác định đúng điểm đột phá của nhiệm kỳ, trong đó có vấn đề “đổi mới tư duy, khắc phục trì trệ”, tuy nhiên cần phải hành động để tạo được đột phá này.

Theo đó, từ nền móng đoàn kết, thống nhất, đội ngũ cán bộ huyện phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là từ trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy phải luôn thôi thúc tinh thần này và truyền lửa cho đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị để toàn huyện bứt phá; đồng thời phải đeo bám quyết liệt tỉnh, ngành, Trung ương để huy động thêm ngoại lực cho sự phát triển của huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó phải tiếp tục chú ý tạo kế sinh nhai và có những mô hình phát triển kinh tế, trong đó hết sức chú ý trồng rừng gỗ lớn; kết hợp phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng để vừa tạo kế sinh nhai trước mắt và lâu dài cho người dân; đồng thời phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả với 2 đến 3 giống cây chủ lực; phát huy mô hình kinh tế vườn, trong đó lãnh đạo huyện cần nhận phụ trách mô hình cụ thể để tạo nên phong trào và sức lan tỏa.

Nhấn mạnh Quỳ Châu là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử với nền văn hóa lâu đời, đặc sắc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị huyện quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy và khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa đặc sắc vùng miền, đặc biệt cho phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Việc này nếu thực hiện tốt không chỉ tạo thế mạnh, nét đặc sắc cho huyện mà còn cho cả tỉnh. Để phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển, Quỳ Châu lưu ý huyện cần quan tâm bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy tối đa hạ tầng hiện có. Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ rõ hướng giải quyết cụ thể trước các kiến nghị của cử tri.

Lãnh đạo huyện Quỳ Châu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo huyện Quỳ Châu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác đã đến kiểm tra dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh. Đây là công trình trọng điểm của huyện có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, dự án với chiều dài bờ kè dài 2.066m sẽ góp phần chống sạt lở đất, chống lũ, bảo vệ đất và nhà ở, mố cầu Kẻ Bọn và cầu Hoa Hải; đồng thời tại đường giao thông dân sinh và cứu nạn, cứu hộ; chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện cho Nhân dân ổn định sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác đã đến kiểm tra dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh. Ảnh: Thành Duy

Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành với chiều dài bờ kè hơn 1.167 m; giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Trao đổi với lãnh đạo huyện Quỳ Châu tại công trình đang thi công, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý lưu ý huyện chủ động quy hoạch đường dọc bờ kè rộng hơn hiện trạng và các tuyến đường nối từ Quốc lộ 48 đến dọc bờ kè để mở rộng không gian đô thị của thị trấn Tân Lạc.

Hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh đang triển khai giai đoạn 2. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý lưu ý huyện Quỳ Châu chủ động quy hoạch, mở rộng đường dọc hai bên kè. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí trong đoàn công tác nghe giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thăm hỏi học sinh đang học ngoại khóa tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh đang học ngoại khóa tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An tại Quỳ Châu và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Bảo tàng. Thông qua kêu gọi xã hội hóa, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trao tặng huyện Quỳ Châu 500 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm, bản.