(Baonghean.vn) - Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH nhấn mạnh đến việc phát huy đội ngũ cán bộ làm khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

images2032541_1.jpgBí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hường – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh; Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh. Về phía Sở KH&CN có đồng chí Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở cùng cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên Sở và các đơn vị trực thuộc.Ảnh: Thành Duy

Báo cáo với Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn công tác, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành cho biết, trong hai năm (2016 -2017) hoạt động nghiên cứu KH&CN của tỉnh ưu tiên cho 6 lĩnh vực KH&CN trọng điểm: nông nghiệp, y dược, KH&CN phụ vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành, thị; khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ thông tin; môi trường, sở hữu trí tuệ với 64 đề tài, dự án đang được triển khai. Nhiều hoạt động, đề tài ứng dụng KH&CN đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn.

Sở KH&CN đang kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia chủ trì 11 đề tài, dự án, trong đó có 6 đề tài, dự án đợt 2 năm 2017 và 5 đề tài, dự án đợt 1 năm 2018.

Đơn vị triển khai nhiều giải pháp cho hoạt động đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, sáng tạo; phát triển thị trường KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, những năm qua, Sở KH&CN đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra. “Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, chúng tôi đã thanh tra 10 cuộc ở 283 cơ sở, xử phạt 53 cơ sở với tổng tiền phạt gần 600 triệu đồng” - người đứng đầu Sở KH&CN cho hay.

Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH&CN cũng thẳng thắn cho rằng, đóng góp và tác động của KH&CN đến sự phát triển kinh tế, xã hội mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa cao.

Ứng dụng và thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng, thị trường công nghệ vẫn chưa phát triển; tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn chậm, trình độ công nghệ chưa cao.

Đây cũng là những vấn đề được các đại biểu dự cuộc làm việc tập trung thảo luận. Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Văn Thanh dẫn số liệu tổng nhân lực KH&CN của tỉnh hiện có 49.342 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 4.989 thạc sỹ, 421 tiến sỹ, 75 phó giáo sư và 5 giáo sư.

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN mới chỉ giải quyết những vấn đề nội tại của tỉnh, còn việc tạo đột phá để khai thác tiềm năng lợi thế chưa mạnh. Từ nhận định trên, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, cần có giải pháp để phát huy được hết nguồn nhận lực này.

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định, ngành Nông nghiệp được hưởng lợi từ nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vừa qua song kết quả chưa thực sự được như mong muốn, minh chứng là Nghệ An chưa có sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu mạnh.

Từ đó, ông Hiếu đề nghị cần kết hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp; quan tâm đến các đề tài, dự án nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình trồng rau sạch của ông Trương Văn Hòa - xóm 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn) được trang bị hệ thống thiết bị nhà lưới, tưới nhỏ giọt kỹ thuật cao theo công nghệ hiện đại của Isarel. Ảnh tư liệu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đánh giá cao những bước tiến trong hoạt động KH&CN của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh mục đích nghiên cứu KH&CN theo tập trung vào các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ cho nhân dân và doanh nghiệp.

Khẳng định vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh quan điểm, ngành KH&CN phải dựa trên thế mạnh và điều kiện cụ thể của tỉnh để phát triển; trong đó hài hoà giữa việc sử dụng được những kiến thức, thành tựu trong lĩnh vực này; đồng thời nghiên cứu tạo ra tri thức mới.

Đi vào cụ thể, Bí thư Tỉnh uỷ đặt câu hỏi muốn: Muốn làm KH&CN thì ai làm? Để nhấn mạnh đến yêu cầu đặt ra là xây dựng được hệ thống tổ chức và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở KH&CN phải tổ chức rà soát các tổ chức nghiên cứu KH&CN để có chiến lược, chính sách phát triển.

Về nhân lực trong lĩnh vực KH&CN, bên cạnh đội ngũ có sẵn trên địa bàn, Bí thư Tỉnh uỷ cũng gợi mở một lực lượng là những người làm việc trong các nhóm chuyên gia của các công ty, tập đoàn đầu từ vào tỉnh, trong đó có các cán bộ địa phương tham gia các nhóm này và trở thành lực lượng quan trọng làm KH&CN trên địa bàn.

Do đó, theo Bí thư Tỉnh uỷ cần phải có chính sách về đầu tư công nghệ mới để những cán bộ, chuyên gia ở địa phương có điều kiện tiếp cận và làm việc trong các nhóm nghiên cứu của các nhà đầu tư.  “Tổ chức và nhân lực làm KH&CN tôi cho là quan trọng nhất” – Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh khi khép lại nội dung này.

Thu hoạch ngô bằng máy móc tại vùng nguyên liệu của Trang trại bò sữa TH. Ảnh tư liệu

Về nhiệm vụ của ngành KH&CN, Bí thư Tỉnh uỷ nêu lên ưu tiên trước mắt là nghiên cứu chiến lược, đặc biệt là chiến lược phát triển tỉnh Nghệ An đúng hướng; đồng thời nghiên cứu phát triển lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vu, y tế… trong đó, ưu tiên công nghệ sạch, công nghệ cao.

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Đắc Vĩnh cũng lưu ý, khi thu hút các dự án phải có lực lượng đủ năng lực, trình độ để tư vấn, phản biến tốt về công nghệ của các dự án cho tỉnh.

Người đứng đầu Tỉnh uỷ cũng đồng tình với định hướng hỗ trợ phát các doanh nghiệp KH&CN, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo..

Về kinh phí cho hoạt động KH&CN, cho biết Nhà nước chỉ đảm bảo những nhu cầu cơ bản, thiết yếu nhất trong điều kiện cho phép, Bí thư Tỉnh uỷ gợi mở, ngành KH&CN cần phải khai thác được nguồn lực của các doanh nghiệp để đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng; muốn vậy phải thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp trên tinh thần cho doanh nghiệp thấy được những lợi ích, hiệu quả.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN