Tối 27/4, huyện Nghi Lộc tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm thành lập (1469 - 2019) và 125 năm danh xưng huyện Nghi Lộc (1894 - 2019).

Dự lễ có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…

Lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Cường

Vùng "địa linh nhân kiệt"

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, trải qua lịch sử hàng nghìn năm, với sự thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi, đến năm 1469 vua Lê Thánh Tông đã xác định bản đồ cả nước, trong đó xác định rõ huyện Chân Phúc thuộc phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An.

Trải qua 550 năm hình thành, xây dựng và phát triển, từ các tên gọi: Dương Thành, Dương Toại, Phố Dương, Tân Phúc, Nghi Chân, Chân Phúc, Chân Lộc, đến đời vua Thành Thái (1894) địa phương này được đổi thành Nghi Lộc.

Năm 1469, huyện Chân Phúc lúc đó là một vùng đất rộng lớn, bao gồm cả diện tích thị xã Cửa Lò và Vinh ngày nay. Đến nay, sau nhiều lần chia cắt, một số xã sát nhập vào TP Vinh và thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc hiện tại còn 30 đơn vị hành chính với diện tích 34.770 ha, dân số 205.850 người.

Dịp này huyện Nghi Lộc cũng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Thành Cường

Trong lịch sử, vùng đất Nghi Lộc trở thành "phên dậu", tuyến phòng thủ, căn cứ địa…của nhiều danh tướng các triều đại: Tiền Lê, Lý,Trần, Hậu Lê đến Quang Trung - Nguyễn Huệ và trong phong trào Cần Vương, nhiều nơi trên đất Nghi Lộc là nơi tụ quân của các chí sĩ yêu nước.

“Nghi Lộc rất đỗi tự hào là vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; mộc mạc chân thành trong đời sống”, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc nói tại buổi lễ.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Cường

Với những thành tích to lớn trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, huyện Nghi Lộc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đất nước hòa bình, người dân Nghi Lộc lại dốc sức cho quá trình xây dựng quê hương với phương châm lao động sáng tạo, cần cù học tập, mở cửa hội nhập đó là sức mạnh nội sinh cơ bản làm cho quê hương ngày phát triển.

Đến nay, trong thời đại mới, Nghi Lộc đã có 42 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, trên 100 người có học vị tiến sỹ, 21 người là nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ ưu tú, 16 người được phong tặng Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động. Trong lĩnh vực quân sự, Nghi Lộc xuất hiện nhiều tướng lĩnh kiệt xuất, như: Thượng tướng Trần Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Hoàng Đan...

Một góc thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Cường

Cần xác định rõ tiềm năng

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, trong nhiều năm qua Nghi Lộc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 12 - 13%. Tỷ trọng công nghiệp dịch vụ từ 69 % năm 2010 tăng lên mức 82% trong năm 2018, nông nghiệp từ 31% xuống còn 18%. Thu nhập  bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng /năm.

“Chúng ta tự hào là vùng đất anh hùng và văn vật, là quê hương của nhiều thế hệ ưu tú. Chúng ta có quyền tự hào về những giá trị văn hóa đã và đang được tích tụ và phát triển. Tự hào về những thành tích vẻ vang mà cha ông đã giành được trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Phấn khởi về những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ và nhân dân đã nỗ lực để đạt được trong sự nghiệp đổi mới. Phấn khởi về những người con quê hương, đang học tập, công tác và sinh sống ở mọi miền đất nước và nước ngoài, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển quê hương đất nước…”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Nghi Lộc được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyến thống lịch sử. Với đặc điểm địa hình đa dạng, vị trí địa lý đặc biệt, trong thời kỳ nào Nghi Lộc cũng giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh. Lịch sử đã tôi luyện con người Nghi Lộc với những phẩm chất như tinh thần hiếu học, đức tính cần cù, chịu khó, tinh thần khảng khái bảo vệ lẽ phải, ý chí xả thân vì nghĩa lớn vì độc lập tự do…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi lễ. 

Biểu dương, chúc mừng những thành tích của huyện đã đạt được, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trải qua 550 năm phát triển, Nghi Lộc hôm nay đang đứng trước nhiều thời cơ mới. Vì thế huyện cần xác định rõ tiềm năng thế mạnh của mình để hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đúng đắn.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị huyện thực hiện tốt một số nhiệm vụ như xác định các nhiệm vụ trọng tâm dựa trên thế mạnh của huyện, huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đầu tư phát triển. Đặc biệt là vận động người dân đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực con người. Đảm bảo quốc phòng vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội….
Dịp này, huyện Nghi Lộc cũng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.