Hoàn thành 21 dự án
Thực hiện Nghị quyết lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu xây dựng Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3953/QĐ-UBND ngày 17/8/2016.
Kể từ khi triển khai thực hiện đề án đến nay, ngành Giao thông Vận tải đã tập trung kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hình thành mạng lưới giao thông chính kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của Đề án.
Nhiều công trình trọng điểm, quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng (đường nối đường N5 - Nam Cấm - Đô Lương, nâng cấp mở rộng QL15 đoạn Km315+700-Km320+700, đường Vinh – Hưng Tây, cầu Yên Xuân, các cầu vượt đường sắt, một số hạng mục trong Cảng hàng không Vinh, cảng Cửa Lò,....) tạo động lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, huy động được khoảng 8.625 tỷ đồng để hoàn thành 21 dự án; 9 dự án đang triển khai thi công, với tổng mức đầu tư khoảng 5.158 tỷ đồng; hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị đầu tư 11 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 30.715 tỷ đồng. Còn 22 dự án chưa triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90.629 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở GTVT, dự kiến đến năm 2020 có 23 công trình, dự án, hạng mục khó đạt mục tiêu đề án. Bao gồm đường bộ 15 công trình, dự án; đường không 2 công trình, dự án; Cảng biển có 3 công trình, dự án; Đường sắt có 3 công trình, dự án.
Bên cạnh đó, việc kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) hạn chế nhất là vùng trung du, miền núi; các dự án hạ tầng cảng biển, đường sắt có tổng mức đầu tư lớn trong khi việc huy động nguồn lực hạn chế,… Do vậy, các dự án trên sẽ không đảm bảo nguồn lực để thực hiện theo đúng mục tiêu Đề án đặt ra.
Người đứng đầu ngành GTVT tỉnh cho biết, tổng nhu cầu về nguồn lực để thực hiện hoàn thành các dự án chưa triển khai thực hiện là 90.629 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 32.245 tỷ đồng; ngân sách địa phương 236 tỷ đồng.
Xác định rõ tính khả thi của nguồn lực
Góp ý kiến vào kết quả triển khai đề án của ngành GTVT, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải cho rằng: Hiện có một số công trình dở dang, công trình đầu tư mới chưa nhìn ra nguồn vốn đầu tư. đề nghị Sở GTVT cần xác định lại chiến lược phát triển hạ tầng giao thông cũng như xác định rõ nguồn lực phải chính xác, khả thi khi xây dựng, phê duyệt đề án. Sở cần nghiên cứu làm rõ thêm cơ cấu vốn, cân đối vốn (Trung ương, địa phương, huy động các nguồn vốn khác) cũng như khả năng cân đối nguồn lực để tiếp tục triển khai các công trình, dự án.
“Về giải pháp từ nay đến năm 2020, Sở GTVT cần tập trung rà soát kỹ lại nguồn vốn cụ thể các cấp ngân sách Trung ương, tỉnh; chủ động làm việc với bộ, ngành Trung ương vận động các nguồn vốn cũng như phối hợp các sở, ngành vào cuộc đồng bộ để tiếp tục triển khai các dự án” - người đứng đầu ngành Tài chính tỉnh nói.
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng, động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Điều đó đòi hỏi ngành GTVT cần phải xây dựng hoạch định rõ ràng, có tầm chiến lược dài hơi về phát triển hạ tầng giao thông cũng như xác định rõ nguồn lực cho từng công trình, dự án.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, trong phát triển hạ tầng giao thông thì việc kết nối giao thông phải có chiến lược, kết nối liên vùng, liên tỉnh là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên không vì thế mà bỏ qua kết nối liên huyện, liên xã vì ảnh hưởng đến đời sống trực tiếp của dân.Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu ngành GTVT cân nhắc yếu tố xã hội – kinh tế, xem xét theo hướng tiết kiệm cao nhất trong đầu tư, đồng thời tập trung giải quyết "điểm nghẽn" trong công tác giải phóng mặt bằng.
"Trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn, chưa thể đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên huyện, liên xã của toàn tỉnh thì ngành GTVT cần phối hợp các ngành, địa phương xác định thứ tự tiêu chí ưu tiên".
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành GTVT cần quan tâm phối hợp với các ngành liên quan sớm triển khai các dự án về nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh, hệ thống đường sắt; Cảng Cửa Lò, đường bộ cao tốc nối từ Thanh Thủy đi TP. Vinh,...