(Baonghean.vn)- Ngoài nhiệt huyết với công tác đoàn và phong trào thanh niên, bí thư Đoàn xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) Hoàng Văn Thông còn có niềm đam mê đặc biệt với con tôm giống.

Về xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), ai cũng trầm trồ, thán phục anh Hoàng Văn Thông - người vừa vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi do Trung ương Đoàn trao tặng. Mới ở tuổi 32 nhưng mỗi năm anh thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi tôm sú giống. 

Anh Thông kiểm tra sức khoẻ tôm giống
Anh Thông kiểm tra sức khoẻ tôm giống.

Trong khi nhiều bạn bè vào Nam, ra Bắc tìm kiếm việc làm thì anh Thông bám trụ ở quê phát triển nghề  nuôi tôm truyền thống của gia đình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đầu năm 2004 anh vay vốn, thiết kế, xây dựng bể nuôi 1.000m2 chia làm 30 bể, tổng vốn đầu tư 700 triệu đồng, áp dụng quy trình nuôi theo phương pháp vi sinh. 

Mặc dù có kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm nhưng khi bắt tay vào làm trang trại anh gặp không ít khó khăn do tôm bị dịch bệnh. Những lứa tôm giống đầu tiên không đạt chất lượng nên hiệu quả không cao dẫn đến thua lỗ. Nhưng hhông vì thế mà anh bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm đến các cơ sở nuôi tôm uy tín ở các tỉnh phía Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.

Trại tôm của anh Thông luôn cho ra đời những con giống khoẻ mạnh.

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tôm sú giống chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm 600-800 triệu, anh Hoàng Văn Thông được người nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng gọi là “vua” tôm giống.

“Mình không chỉ cung cấp tôm giống khỏe mạnh cho bà con, mà còn làm sao khi tôm xuống hồ của người nuôi vẫn sinh trưởng tốt, chứ không phải bán rồi là xong. Tôm có khỏe, thu hoạch tốt thì bà con mới tin tưởng mà tìm đến mình lại”, anh Thông chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhu cầu thị trường dần thay đổi, người tiêu dùng bắt đầu tìm sử dụng các sản phẩm an toàn. Muốn làm giàu bền vững từ con tôm, phải thay đổi quan điểm của người nuôi, phải đáp ứng cái thị trường đang cần chứ không phải cung cấp cho thị trường những gì mình có.

Chính vì vậy, anh Thông đặc biệt ưu tiên việc nuôi tôm bằng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học thay vì sử dụng kháng sinh... “Tôi bắt đầu dùng chế phẩm sinh học, sử dụng vi sinh để nuôi ấu trùng tôm, không sử dụng kháng sinh để kích thích tôm sinh sản bằng mọi giá”, anh Thông chia sẻ.

Những năm gần đây, anh Thông ươm thêm cua giống. Trại giống thủy sản Thông Tin của anh tạo điều kiện việc làm ổn định cho 5 lao động trong vùng, với thu nhập 5 triệu đồng/1 tháng. Không dừng lại ở đó, anh còn tiếp tục chỉnh trang và đầu tư các trang thiết bị để nâng cấp trại tôm giống.

Với những thành công trong nhiều năm qua, trại giống của anh đã trở thành nơi tham quan học hỏi cho bà con nông dân trong vùng. Anh Thông luôn sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm cho mọi người để cùng thực hiện và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó sẽ có đời sống kinh tế ngày càng tốt hơn.

Gần đây, anh Thông mở rộng thêm ươm cua giống.

Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, với cương vị là Bí thư đoàn xã Quỳnh Bảng, anh Thông luôn là đầu tàu gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác để quần chúng noi theo. Anh sẵn sàng giúp đỡ và truyền đạt những kinh nghiệm để thanh niên nông thôn có điều kiện lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng.

Với những thành tích trong lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội, Hoàng Văn Thông vinh dự nhận bằng khen “Thanh niên tiêu biểu của huyện Quỳnh Lưu” và “Thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Quỳnh Lưu”, đại biểu của “Gương mặt trẻ Nghệ An tiêu biểu” năm 2013. Đặc biệt, tháng 10/2016 anh là 1 trong 3 đại diện Thanh niên nông thôn tỉnh Nghệ An vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của.

Hiện nay trại tôm giống đã mở rộng thêm 2.000m2 với gần 100 bể. Mỗi năm, trại giống của anh cung ứng ra thị trường 20 triệu con tôm sú giống./.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN