(Baonghean) - Năm 2016, ông Vi Văn Lượng - Bí thư Chi bộ bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) được công nhận là đảng viên xuất sắc tiêu biểu 5 năm liền. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Vi Văn Lượng về “bí quyết” thành công của bản thân và chi bộ.
P.V: Tuy đã được nhiều người giới thiệu về bản du lịch cộng đồng này, nhưng được đến tận nơi tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự sạch đẹp, thân thiện và vẻ yên bình của một bản làng vùng cao “làm” du lịch. Ông có thể giới thiệu đôi nét về bản Nưa và cuộc sống của người dân nơi đây?
Ông Vi Văn Lượng:Bản Nưa hiện có 154 hộ với 646 khẩu. Truyền thống lâu đời của người dân là sản xuất nông nghiệp, cả bản hiện có gần 17 ha ruộng lúa, 80 ha trước đây trồng cây hoa màu nhưng vài năm trở lại nay, sau khi chi bộ ra nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân đã dần chuyển sang trồng chè (50 ha), cam và một ít các loại cây khác. Và những loại cây trồng mới này đã và đang dần tạo thu nhập khá ổn định cho bà con xóm bản. Đặc biệt, từ năm 2015 bản Nưa có thêm một nghề mới là “làm” du lịch cộng đồng với sự trợ giúp cấp ủy, chính quyền các cấp và Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát.
Đầu tháng 3/2017, tổ chức Jica của Nhật Bản cử đoàn công tác đến bản để tập huấn kỹ năng làm du lịch cho người dân, tài trợ xây dựng 3 nhà vệ sinh phục vụ du khách. Được chứng kiến cuộc sống của người dân ngày càng ổn định, bản thân tôi cũng thấy vui, và tôi cũng như các đảng viên, bà con luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống nhân dân.
P.V:Được biết, Chi bộ bản Nưa nhiều năm được cấp trên công nhận là chi bộ Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Làm thế nào để một tập thể đạt được điều này?
Ông Vi Văn Lượng:Năm 2007 là năm đầu tiên tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Nưa. Năm đó, chi bộ có 17 đảng viên nhưng chỉ được “xếp” vào tốp yếu kém bởi hoạt động cầm chừng, không mấy hiệu quả, hầu hết đảng viên đều đã lớn tuổi và nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới nào. Vì thế, điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi lãnh đạo chi bộ là phải đưa chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới lên hàng đầu. Điều này không chỉ là giải pháp để trẻ hóa đội ngũ mà còn tạo nguồn lâu dài cho đội ngũ kế cận của chi bộ Đảng.
Đến năm 2016, Chi bộ bản Nưa đã có 29 đảng viên, trung bình mỗi năm kết nạp được từ 1 - 3 đảng viên mới. Và chúng tôi cũng xác định rằng, muốn khơi dậy tiềm năng, giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá thì chi bộ đảng phải là tổ chức tiên phong trong giúp đỡ người dân tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những chủ trương chi bộ đưa ra phải dựa trên thực tế của địa phương, phù hợp và có khả năng thực hiện, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân. Và trong thực hiện thì cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu.
P.V:Ông có thể nêu ví dụ cụ thể hơn?
Ông Vi Văn Lượng:Ví như việc vận động người dân không sinh con thứ 3 trở lên. Trước hết phải tuyên truyền cho bà con thấy được rằng, sinh đẻ quá nhiều, cha mẹ không lo được cho con ăn học đến nơi, đến chốn thì không chỉ con em mình sau này lớn lên sẽ khổ, mà bản thân cha mẹ cũng sẽ phải lo toan nặng nề hơn. Sau đó, chi bộ chủ trương đảng viên phải là người nghiêm túc thực hiện trước, chỉ sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt. Và thực tế đã cho thấy, gia đình nào chỉ sinh 2 con thì cuộc sống khấm khá hơn, con cái họ cũng được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn những hộ đông con. Từ đó, năm 2008 đến nay, bản Nưa không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Chúng tôi xác định rằng chỉ có phát triển kinh tế mới là kế sách dài lâu để bà con ổn định cuộc sống, có điều kiện để tham gia việc làng, việc nước mà chúng ta vẫn gọi là công tác xã hội. Vì vậy, chi bộ đã ra nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vận động người dân chuyển dần các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương là cây chè và cam.
Sau khi nghị quyết được ban hành, các đảng viên trong chi bộ và bản thân tôi vận động gia đình mình thực hiện trước. Gia đình tôi hiện trồng 3ha cam, 5 sào chè, nuôi 2 con trâu, vài con lợn và đàn gà vài chục con.
Một việc nữa mà chi bộ đã lãnh đạo thành công và được người dân hưởng ứng nhiệt tình là việc thành lập Câu lạc bộ dân ca Thái. Từ chỗ chỉ vài người tham gia, nay câu lạc bộ đã có 18 thành viên phục vụ nhu cầu của người dân bản, khách du lịch và cả các sự kiện quan trọng của xã, huyện.
P.V:Được biết, năm 2016, ông là cá nhân duy nhất được Huyện ủy Con Cuông công nhận là đảng viên xuất sắc tiêu biểu 5 năm liền. Trải qua nhiều vị trí công tác, từ bí Thư Đảng ủy xã, chủ tịch Hội Nông dân huyện, rồi Phó Chủ tịch MTTQ huyện và nghỉ hưu làm Bí thư Chi bộ bản, bí quyết nào để một bí thư chi bộ có được thành công đó?
Ông Vi Văn Lượng:Với tôi cũng như nhiều đảng viên đã nghỉ hưu khác, ngoài kinh nghiệm công tác, thì luôn mong muốn được tiếp tục làm việc, đóng góp cho quê hương. Tùy vào khả năng của mình đến đâu thì góp sức chung tay đến đó. Nhất là việc hướng dẫn, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, cho anh em, con cháu mình biết nhận thức rõ hướng đi đúng, hướng phấn đấu tích cực để vừa có thể lo cho bản thân, gia đình, vừa có thể đóng góp xây dựng xóm bản, tạo dựng nên một cộng đồng đoàn kết, yên vui.
Mỗi con người dù là sống bất cứ nơi đâu cũng cần có cộng đồng, tập thể. Những người đã đến tuổi nghỉ hưu như chúng tôi khi tham gia công tác ở địa phương ngoài vai trò là người đi trước, còn là những người ông, người cha trong gia đình.
Tôi luôn xác định đã đảm nhận công việc nào cũng phải cố gắng hết sức, chứ không nghĩ là phấn đấu để được danh hiệu này, danh hiệu kia. Được tổ chức ghi nhận là điều rất vui, song phía sau mỗi danh hiệu của cá nhân luôn gắn liền với thành tích, sự ủng hộ của tập thể.
Tôi tự thấy mình may mắn được sống và làm việc trong một môi trường mà nơi ấy người dân có truyền thống đoàn kết, chịu thương chịu khó. Họ chăm chỉ làm ăn, đóng góp tích cực cho cộng đồng, có ý thức xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh. Đó cũng chính là bí quyết giúp cho bản Nưa khởi sắc từng ngày, giúp chi bộ bản Nưa ngày càng vững mạnh.
P.V:Cảm ơn ông!
Hoài Thu
(Thực hiện)