Môn Lịch sử
Theo thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM), xác định mục đích dự thi là điều rất quan trọng vì ảnh hưởng đến nội dung ôn thi. Nếu chọn môn lịch sử trong tổ hợp môn xã hội để xét tốt nghiệp thì học sinh (HS) chỉ cần tập trung học các kiến thức cơ bản được đề cập trong sách giáo khoa lớp 11, 12.
Còn nếu chọn môn học này để xét tuyển vào ĐH thì bên cạnh việc nắm các kiến thức cơ bản, HS cần phải nắm thêm các kiến thức tổng hợp, kiến thức nâng cao.
Nội dung của bộ môn lịch sử hơi dài mà đề thi trắc nghiệm thì không có trọng tâm và rải đều khắp chương trình nên để có thể nắm hết các kiến thức, HS phải xây dựng một thời khóa biểu ôn tập hợp lý. Nên dành thời gian trước tháng 6 để ôn tập chương trình lịch sử lớp 12 và nửa tháng 6 ôn tập chương trình lịch sử 11.
Khi ôn tập cần nắm chắc các kiến thức cơ bản. Để làm được điều này, HS phải thực hiện hệ thống hóa kiến thức. Các em có thể theo dõi các chuyên đề ôn tập trên Báo Thanh Niên rồi từ đó triển khai các sơ đồ tư duy cho riêng mình.
Bên cạnh đó, cần rèn luyện các kỹ năng so sánh, tổng hợp, liên hệ trong khi học bài, vì thực tế cho thấy giải quyết các câu hỏi khó để phân loại đều phải dùng đến kỹ năng này.
Môn Địa lý
Ông Trần Văn Quang, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), cho rằng khi ôn tập HS phải nắm bắt toàn bộ chương trình, không thể học tủ như thi tự luận. HS cần lưu ý một số điểm sau:
Sau mỗi bài học, nên trả lời các câu hỏi nhỏ, lưu ý các chi tiết chính yếu, ví dụ: Vùng núi Đông Bắc có hướng gì? Hai quần đảo xa bờ của nước ta là… Lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương, với những nét chính yếu trước. Quan tâm các mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý như khí hậu có ảnh hưởng gì đến địa hình, đến sông ngòi, sinh vật…; vị trí có thuận lợi gì trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng…
Học từng phần và học đều, tránh việc học dồn vừa mệt vừa dài lại khó hiệu quả. Buổi tối nên ôn lại ngay bài vừa học ban ngày chừng 5 - 10 phút. Ngoài ra, cách ôn thi hiệu quả là học trên Atlat kết hợp bài học sách giáo khoa, chú ý về biểu đồ, địa danh có trên bản đồ.
Môn Giáo dục công dân
Từ định dạng đề thi THPT quốc gia, giáo viên Vũ Thị Bích Thúy, Tổ trưởng Tổ giáo dục công dân Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng HS cần bổ sung kiến thức thực tế nhiều hơn, suy nghĩ thấu đáo và thận trọng trước khi chọn đáp án cho những tình huống.
HS nên tham gia giải quyết tình huống trong giờ học để có thêm kinh nghiệm sống và làm việc theo pháp luật. Tham khảo thêm sách báo, tư liệu về pháp luật, nếu có vướng mắc thì nhờ thầy cô tư vấn thêm. Lập sổ ghi chép những điều tai nghe, mắt thấy, những điều rút ra trong cuộc sống xung quanh có liên quan đến pháp luật, những lời dặn, lưu ý của giáo viên để xem lại khi có thời gian nhằm tăng vốn hiểu biết và làm tốt bài thi.
Khi ôn tập có thể phân bố kiến thức theo các chủ đề như sau: một số vấn đề cơ bản của pháp luật; pháp luật và quyền bình đẳng của công dân; pháp luật với các quyền tự do, dân chủ của công dân; pháp luật với sự phát triển của công dân và đất nước.