Sau Kỳ thi THPT Quốc gia, Hà Thị Vân về với bố mẹ và hai em ở bản Na, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong. Đây cũng là lần hiếm hoi Vân được về nhà trong một thời gian dài vì cô bé xa nhà đi học nội trú từ năm lớp 6.
Kỳ nghỉ hè này, cũng có thể xem là đáng nhớ nhất vì ở một nơi rất xa trung tâm, cách xa thị trấn Quế Sơn hơn 50 cây số, cô bé nhận được tin mình được 28,5 điểm (tổng điểm cộng) kỳ thi THPT Quốc gia. Riêng môn Ngữ văn, Vân đạt 9,5 điểm - một kết quả bất ngờ...
Kết quả này, cũng đã làm rất nhiều bạn bè thán phục. Bởi lẽ, ở lớp 12C1, Vân không phải là học sinh học giỏi Văn nhất, dù rằng điểm tổng kết cuối lớp 12, môn Ngữ văn Vân được 9.0. Trước đó, dù 12 năm liên tục đạt học sinh giỏi toàn diện nhưng Vân cũng không được đánh giá cao ở môn Văn.
Thành tích tốt nhất của em ở Trường THPT DTNT 2 là giải Nhì môn Giáo dục công dân tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 11.
Đánh giá về khả năng học môn Ngữ văn của mình, Vân cũng tự nhận “ưu điểm của em là rất thích học môn Văn và có khả năng viết truyện, làm thơ”. Tuy nhiên, đây lại chính là nhược điểm của Vân vì khi làm bài em hay bị trôi theo cảm xúc và nhiều bài văn bị rơi vào “sáo”, thiếu các thông tin cơ bản.
Sự thay đổi trong cách học của Vân chỉ thực sự bắt đầu ở học kỳ II của lớp 12, sau khi Vân tham dự các kỳ thi thử ở lớp, ở trường mà chưa có bài văn nào vượt qua 8 điểm. Hỏi các thầy cô trực tiếp bồi dưỡng và giảng dạy cho mình, Vân mới biết lý do đó là “viết thiếu trọng tâm dù hành văn trôi chảy” và hay “phiêu” theo cảm xúc.
Cũng sau “sự cố” này, Vân chuyển hướng cách học và cách trình bày. Nếu trước kia, Vân học theo cảm tính, học thuộc thì nay mỗi một bài học Vân đều đọc kỹ tác phẩm trong sách giáo khoa, học kỹ các phần cô giáo giảng và sau đó sẽ viết theo sơ đồ tư duy. Mục đích của hình thức này là rèn luyện tư duy.
Về hành văn, Vân vẫn phát huy cảm xúc của mình nhưng sẽ “tiết chế” hơn và mỗi ý, mỗi đoạn văn phải viết theo từng trọng điểm, câu văn gọn gàng, trôi chảy.
Do ở nội trú, nên Vân và các bạn hầu như rất ít khi được vào mạng và xem ti vi. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, Vân cũng sẽ tận dụng Internet để trang bị kiến thức cho mình khi làm các bài văn nghị luận xã hội: Khi có mạng, em sẽ vào các trang web để tìm kiếm các nhận định và sau đó sẽ tự ra đề, tự giải và viết theo quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, Vân cũng vào mạng để tìm kiếm và cập nhật các tin tức nổi bật trong tuần, trong năm của Việt Nam và thế giới. Đây cũng chính là bí quyết giúp Vân không chỉ học tốt môn Văn mà còn làm tốt môn Lịch sử và Địa lý.
Cũng với sự chuẩn bị khá kỹ càng này, Vân bước vào Kỳ thi THPT quốc gia khá tự tin với mơ ước được trúng tuyển vào ngành Quản trị du lịch - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cô bé cũng chia sẻ: Sau khi thi môn Văn về em khá lo lắng về phần tự luận xã hội, vì quan điểm của em khác với đáp án. Nhưng chính đề thi “mở” đã cho em cơ hội thể hiện chính kiến của mình.
Kể về bài làm của mình, Vân cho biết: Đề thi về phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh phải viết một đoạn văn ngắn suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước. Riêng cá nhân em thì nghĩ rằng, tiềm năng đất nước rất quan trọng nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Quan trọng nhất vẫn phải là yếu tố con người, chính con người là nhân tố hàng đầu để làm nên mọi thành công.
Bài Ngữ văn của Vân, có thể được các giám khảo đánh giá cao ở thái độ sống, ở trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với vận mệnh đất nước. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau bài văn 200 chữ đó là khát khao, là mong muốn của không chỉ riêng Vân mà còn của bố mẹ, của gia đình, của cả bản làng nơi Vân đang sống và được viết nên từ thực trạng quê nhà của mình.
Vân tâm sự: Nhà Vân thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đều làm nông, không được học hành nhiều nên trước rất nhiều vấn đề, bố mẹ đều cho Vân “tự chọn”. Tuy vậy, là chị cả lại được may mắn tạo điều kiện đi học nên trước khi đưa ra một quyết định, Vân đều nghĩ cho gia đình, cho các em rồi mới nghĩ cho riêng mình.
Vân cũng hy vọng, với điểm thi khá cao, sau khi trúng tuyển vào ngành Du lịch, em sẽ sớm có cơ hội đi làm thêm để vừa có thể giới thiệu về bản sắc, quê hương mình, vừa có thêm kinh phí...để nuôi giấc mơ giảng đường.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, lớp 12 C1 - Trường THPT DTNT số 2 có 25 em đạt điểm từ 21 trở lên 3 môn khối C, trong đó có 16 em đạt từ 24 điểm trở lên. Ngoài Hà Thị Vân, học sinhLô Thị Tĩnh cũng đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn.