(Baonghean.vn) - Chiếc nỏ là một vật dụng quen thuộc trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An và việc chế tác ra 1 chiếc nỏ thực sự là một kỳ công của những nghệ nhân.
Chiếc nỏ từ lâu là một biểu tượng văn hóa độc đáo đối với các đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ. Việc chế tác ra được 1 chiếc nỏ chủ yếu dựa vào bàn tay khéo léo của những người lớn tuổi trong bản làng. Các bộ phận thân nỏ, cánh nỏ, lẫy nỏ, dây nỏ và tên đều được làm bằng những vật liệu cứng và bền từ các loại cây rừng. Dây nỏ được người dân chọn từ một loại cây tước vỏ, theo tiếng Thái gọi là xái pản, đây là loại cây với lớp vỏ có độ bền cao. Sau khi được phơi bếp nhiều năm mới đem ra bện nhỏ để gắn vào cánh nỏ. Lẫy nỏ và thân nỏ được chọn từ cây cọ. Đây là loại cây chắc và không bị co rút để giữ cho nỏ thăng bằng. Tên nỏ phải được đảm bảo luôn thẳng để khi bắn không đi chệch hướng. Khoảng cách của tên và rãnh trên thân nỏ luôn được các nghệ nhân chú ý. Đây là điều quan trọng nhất khi chế tác nỏ để khi tên bắn ra phải có sức mạnh và độ chính xác cao. Những chiếc nỏ sau khi hoàn thiện được phơi trên gác bếp để tăng độ bền và tạo độ bóng. Ông Xeo Hòa Tiến (bản Na Bè, xã Xã Lượng, huyện Tương Dương) cho biết, để làm 1 chiếc nỏ có khi phải mất 2-3 năm từ khâu chuẩn bị đến chế tác. Tuy nhiên, cũng vì thế mà 1 chiếc nỏ dùng để săn bắn có thời gian sử dụng lên đến hàng chục năm. Ngày nay, nỏ không chỉ được dùng để săn bắn mà bắn nỏ còn là môn thể thao được mọi người ưa thích. Mỗi chiếc nỏ được đem bán ở chợ vùng cao có giá từ 200-300 nghìn đồng. Hiện nay, thi bắn nỏ trong các lễ hội ở miền Tây Nghệ An đã trở thành quen thuộc và không thể thiếu, là nét văn hóa độc đáo riêng có. Đào Thọ