Hai người bắt đầu gặp gỡ cách đây chưa đầy một năm và sẽ chính thức làm lễ đính hôn vào ngày 12/8 tới. Lễ cưới của họ sẽ được tổ chức sau đó, tại đền Meiji Jingu ở thủ đô Tokyo vào ngày 29/10.
Theo CNN, Công chúa Ayako đã có bằng thạc sĩ về phúc lợi xã hội. Chính mẹ của công chúa, Công nương Takamodo đã giới thiệu con gái với Moriya lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái.
Công nương Takamodo biết cha mẹ của Moriya khi tham gia hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ địa phương. Bà giới thiệu Công chúa Ayako với chàng nhân viên công ty vận tải, với hy vọng con gái sẽ được truyền cảm hứng từ các hoạt động phúc lợi toàn cầu.
Tuy nhiên, cả hai người trẻ tuổi nhanh chóng nhận ra họ có thêm nhiều điểm chung, ngoài đam mê hoạt động xã hội. Họ có chung sở thích đi trượt tuyết, đọc sách và du lịch.
Theo luật Hoàng gia Nhật, công chúa sẽ phải từ bỏ tước vị sau khi kết hôn với thường dân. Tuy nhiên, cô sẽ nhận được khoản tiền mừng dự kiến tương đương 1 triệu USD.
Ayako không phải là công chúa đầu tiên thuộc thế hệ của mình quyết định rời danh vị hoàng tộc.
Tháng 5/2017, Công chúa Mako, chị họ thứ hai của cô và cũng là người cháu lớn tuổi nhất của Nhật hoàng, thông báo ý định kết hôn với một thường dân khác, có tên Kei Komoro. Song, hồi tháng 2/2018, cặp đôi đã hoãn đám cưới, với lí do chưa sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân.
Ayako không phải là hậu duệ trực tiếp của Nhật hoàng Akihito, nên dư luận không quan tâm chú ý tới cô nhiều như Công chúa Mako. Tuy nhiên, việc cô đính hôn với thường dân được tin sẽ làm dấy lên các câu hỏi về tương lai của chế độ quân chủ lập hiến lâu đời nhất thế giới.
Nhật hoàng Akihito dự định thoái vị vào năm 2019. Bất chấp những bất đồng về việc đưa ra luật cho phép phụ nữ kế thừa ngôi báu ở Nhật, việc Hoàng tử Hisahito chào đời năm 2016 (nam thừa kế đầu tiên sinh ra trong Hoàng tộc trong 40 năm qua) đã chấm dứt tranh cãi này.
Nếu hai Công chúa Mako và Ayako đều lấy dân thường, số thành viên Hoàng gia sẽ giảm xuống còn 17, làm gia tăng gánh nặng về các trọng trách đối với những thành viên còn lại.
Một nghị quyết bổ sung vào Dự luật thoái vị của Nhật hoàng hồi tháng 6 năm ngoái kêu gọi chính phủ bắt đầu cân nhắc các vấn đề kế vị, bao gồm cả việc cho phép công chúa thành lập các chi mới sau khi họ kết hôn với thường dân và để những thành viên mới đảm nhận các trọng trách của hoàng gia.