Theo bác sĩ Khổng Trọng Thắng, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park TP HCM, tình trạng ngộ độc thực phẩm thường tăng trong ngày Tết do món ăn được bảo quản không đúng cách hoặc nhiều loại kém chất lượng.
Do đó khi mua sắm, bà nội trợ nên lưu ý:
- Chọn thực phẩm tươi sống.
- Mua ở nhà cung cấp uy tín để tránh hàng kém chất lượng.
- Kiểm tra hạn sử dụng của món cần mua.
- Chọn những thực phẩm quen thuộc, tránh thử món lạ chưa từng ăn.
- Không chọn hàng ôi thiu, màu sắc không còn tươi mới hoặc có mùi lạ.
- Thịt, thủy hải sản nên chọn loại mới giết mổ trong ngày hoặc còn tươi sống để tránh nguy cơ bị phân hủy hoặc dùng hóa chất bảo quản, sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Nhóm rau củ, chọn loại còn xanh, tươi, nhà cung cấp có uy tín để đảm bảo hàng sạch.
- Nhóm đồ hộp: Bạn nên chọn thực phẩm còn hạn sử dụng. Tránh mua thực phẩm đồ hộp hết hạn, phồng, biến dạng, gỉ sét.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
- Luôn ăn chín uống sôi.
- Ăn món được chế biến tại nhà.
- Tránh món ăn ngoài lề đường, không rõ nguồn gốc.
- Chọn nhà cung cấp thực phẩm uy tín.
- Khi có biểu hiện ngộ độc nên đến cơ quan y tế để theo dõi điều trị.
- Trong trường hợp bạn bị dị ứng với thức ăn, không nên ăn hoặc thử món gây dị ứng.
Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Bác sĩ Thắng cho hay, biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn ói, đau quặn bụng từng cơn, tiêu phân lỏng, chóng mặt, mệt. Nặng hơn thì tình trạng lơ mơ, hôn mê, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp thở, thở rít, thở ngáp, nổi mề đay, sưng phù thanh môn, da xanh tím. Nếu không được điều trị kịp thời, người bị ngộ độc có thể biến chứng nặng nề như sốc do mất nước vì tiêu chảy, nôn ói quá nhiều, sốc do nhiễm trùng nhiễm độc từ thức ăn, rối loạn nhịp tim bởi rối loạn điện giải nặng và thậm chí gây tử vong.
Khi có người bị ngộ độc thực phẩm nên ổn định người bệnh, không cho tiếp tục ăn những thực phẩm nghi ngờ bị ngộ độc. Đưa nạn nhân đến cơ quan y tế gần nhất. Tránh những hành vi gây nôn, gây ói cho những người đang hoặc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.