(Baonghean) - Hội viên độ tuổi 35 - 40, thậm chí xấp xỉ 60 trong các hội nhóm thơ Nghệ An bất đắc dĩ được xem là 'nhà thơ trẻ'. 
 
Ban Thơ của Hội VHNT tỉnh hiện có 81 hội viên, trong đó có 46 hội viên ở độ tuổi trên 70, 32 hội viên ở độ tuổi dưới 70. 3 hội viên được xem là trẻ cũng nằm trong độ tuổi từ 35 - 40. Những năm gần đây, Ban Thơ không kết nạp thêm hội viên trẻ tuổi nào. 
 
images1864716_7a.jpgBuổi sinh hoạt của CLB Tao đàn mùa xuân Nghệ An. Ảnh: Phước Anh
 
Ngoài Hội VHNT tỉnh nhà, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều câu lạc bộ, nhóm, hội thơ… sinh hoạt độc lập, quy tụ nhiều tác giả giàu sức viết nhưng cũng đều đối mặt với “khoảng trống” về sự nối tiếp thế hệ. 
 
Ông Dương Tiến Ngọc - Chủ tịch Hội VHNT thị xã Thái Hoà chia sẻ: “Hội hiện có 32 hội viên, trẻ nhất cũng chỉ có 5 người trong độ tuổi từ 30 - 40, còn lại trung bình là các bậc cao niên từ 60 tuổi đến trên 70 tuổi. Các hội viên phần lớn là cựu giáo chức, kỹ sư về hưu, đều là “tay ngang” nhưng anh em rất trăn trở, tâm huyết, đam mê. Hiện trẻ nhất trong hội là tác giả Lý Thu Thảo, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, nay cũng đã trên 30 tuổi”. 
 
Về vấn đề đội ngũ sáng tác trẻ, ông Dương Tiến Ngọc khẳng định, đó là trăn trở lớn của những người làm công tác hội. Tuy nhiên để xây dựng thế hệ tiếp nối không phải là dễ. Hội VHNT thị xã Thái Hoà được đánh giá là một trong những hội có nhiều hoạt động tích cực để lan toả phong trào sáng tác trong cộng đồng. Từ năm 2008, hội đã tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ trong các trường THPT trên địa bàn.
 
Gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng hội vẫn nỗ lực duy trì hoạt động này đến năm 2012 mới dừng lại, nguyên nhân là do sự hưởng ứng của học sinh không như kỳ vọng. Số lượng và chất lượng các bài dự thi gửi về không cao, khiến các cuộc thi rơi vào tình trạng “chết yểu”.
 
Không cam lòng dừng lại ở đó, Hội VHNT thị xã Thái Hoà tiếp tục huy động nguồn lực, hàng năm tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu thơ ca, mời các nhà thơ tên tuổi như Thạch Quỳ, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Văn Hùng… trò chuyện, trao đổi về sáng tác mới, xu hướng và bút pháp hiện đại.
 
Các buổi sinh hoạt được tổ chức ở các địa điểm công cộng nhằm thu hút sự chú ý của người dân. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa tác động đáng kể đến cộng đồng nói chung và đối tượng thanh thiếu niên nói riêng.
 
Thực trạng tương tự diễn ra ở Tao đàn mùa xuân Nghệ An (trực thuộc Trung tâm VHTT tỉnh). Thành lập từ năm 2011, đến nay, Tao đàn mùa xuân có 35 hội viên và tất cả đều là hội viên lớn tuổi, “trẻ” nhất cũng đã xấp xỉ 60 tuổi. Nhà thơ Lăng Hồng Quang - Chủ nhiệm Tao đàn mùa xuân cho biết, mục tiêu đặt ra mỗi năm là kết nạp thêm từ 2 - 3 hội viên mới, ưu tiên hội viên trẻ tuổi, tuy nhiên nhiều năm nay không hoàn thành được.
 
Thời gian gần đây, Tao đàn đang gửi lời mời đến một số gương mặt trẻ ngâm thơ hay, có sở thích sáng tác thơ nhưng phần đa đều từ chối. 
 
Nếu như độ chục năm về trước, các câu lạc bộ, hội, nhóm thơ ca còn rải rác hoạt động trong trường học thì nay gần như vắng bóng hẳn. Theo nhà thơ Phạm Mai Chiên - Trưởng Ban Thơ, Hội VHNT tỉnh Nghệ An thì nguyên nhân là do Hội VHNT tỉnh không có bộ phận chuyên trách văn nghệ trẻ. Những năm gần đây, các hoạt động như trại sáng tác, cuộc thi, diễn đàn thơ… có phần kém sôi động, dẫn đến sự sụt giảm của các phong trào sáng tác trong nhà trường.
 
Mặt khác, dưới góc độ xã hội, nguyên nhân khách quan là do sự phát triển của đời sống, kéo theo những chuyển động về công nghệ thông tin, vui chơi, giải trí, khiến thơ ca không còn là nơi giãi bày, gửi gắm tâm tư, tình cảm quen thuộc nữa. 
 
 
 
Phước Anh

TIN LIÊN QUAN