Ngày 2/3, ngày thứ 4 diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo nhằm làm rõ hành vi thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, gây thiệt hại cho Oceanbank tổng số tiền 1.576 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Cấp dưới chỉ chấp hành lệnh

Khi bị Hội đồng xét xử thẩm vấn, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa xem xét một số tình tiết quan trọng để giảm trừ thiệt hại cho bị cáo. 

Liên quan đến bị cáo Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank và các đồng nghiệp dưới quyền, các giám đốc chi nhánh… bị cáo Hà Văn Thắm cho biết, đã có yêu cầu bị cáo Thủy rút tiền chi chăm sóc khách hàng nhưng không thông báo rút tiền ra làm gì. Sau đó, bị cáo Thủy biết và có nói bị cáo Thắm với thái độ khá gay gắt về vấn đề này, đồng thời cũng đề nghị nộp chứng từ cho đủ thủ tục. 

images1839413_bna_58b8a7e723726.jpgBị cáo Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tuy nhiên, theo bị cáo Thắm, việc chi tiền chăm sóc khách hàng là vi phạm nhưng nếu không làm thì sẽ "sập tiệm". Bị cáo Thắm trình bày trước Tòa: Nếu chị Thủy không làm thì rút tư cách của chị Thủy. Việc bị cáo đã thực hiện gần như là lừa cấp dưới vì bị cáo cũng nói với chị Thủy rằng khoản này sẽ được hoàn ứng. Các hành vi của bị cáo là có tội nhưng là tội của bị cáo. Chị Thủy và những nhân viên dưới quyền là không có tội, trong hoàn cảnh họ phải làm như vậy. 

Bị cáo Thắm nói, trong hoàn cảnh thị trường khó khăn, Ngân hàng Nhà nước công bố trần lãi suất, nếu không chi chăm sóc khách hàng thì không đủ chỉ tiêu, bị cách chức. Hoàn cảnh của nhiều cán bộ ngân hàng thời điểm đó là như vậy. Theo bị cáo, từ bị cáo Lê Thị Thu Thủy đến các cán bộ chi nhánh chịu nhiều sức ép vì bị giao chi tiêu. Quá trình khai nhận, Hà Văn Thắm nhận trách nhiệm về mình và xin xem xét vai trò của các cán bộ cấp dưới. 

Về việc chi chăm sóc khách hàng, bị cáo Hà Văn Thắm khai là chấp thuận quyết định này của Nguyễn Xuân Sơn. Không phải vì bị sức ép nào để chi nguồn tiền chăm sóc khách hàng mà do Thắm thấy hoàn cảnh lúc đó là phải làm như vậy. 

Nguyên Kế toán trưởng PVN bác bỏ việc nhận tiền từ Oceanbank 

Chiều 2/3, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm chuyển sang phần thẩm vấn về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong cáo trạng nêu rõ: Kể từ năm 2011 đến 2014, mặc dù Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank, được điều chuyển trở lại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để giữ chức Phó Tổng giám đốc tập đoàn này, song hoạt động chi lãi ngoài hợp đồng đối với khách hàng gửi tiền tại Oceanbank vẫn được duy trì. 

Ở giai đoạn này, các bị cáo đã gây thất thoát số tiền lên đến hơn 1.576 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Sơn bị xác định là đã nhận tổng cộng hơn 544 tỷ đồng tiền “chăm sóc khách hàng” từ Oceanbank. 

Tại Tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (em họ Sơn, nguyên Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược của Oceanbank) khai đã nhận tổng cộng hơn 240 tỷ đồng cho Nguyễn Xuân Sơn. Nhưng tại phiên tòa, Sơn không thừa nhận lời khai này của Thắng. 

Quá trình điều tra, nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn khai từ năm 2009 đến trước ngày vụ án bị phát hiện, Sơn chỉ nhận khoảng 200 tỷ đồng. Xử lý số tiền “chăm sóc khách hàng” đó, Sơn khai đã chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh (thời điểm đó là kế toán trưởng của PVN) khoảng 60%. Số tiền 40% còn lại, bị cáo nhờ nhiều người cầm giữ hộ, trong đó có Nguyễn Xuân Thắng (em họ Sơn, nguyên Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược của Oceanbank) và Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank). 

Ngoài lời khai của Sơn, quá trình điều tra, Nguyễn Xuân Thắng khai đã hai lần được Sơn nhờ xách tiền cho ông Ninh Văn Quỳnh (thời điểm đó là kế toán trưởng của PVN). Tuy nhiên tại tòa, Thắng phủ nhận lời khai này và cho rằng, bị cáo có xách túi cho ông Ninh Văn Quỳnh nhưng không biết bên trong có gì, chỉ biết đấy là túi vải. Thắng cũng cho rằng, việc xách hộ túi cho lãnh đạo cấp cao chỉ để tỏ lòng kính trọng. 

Trong khi đó, tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Ninh Văn Quỳnh lại bác bỏ việc đã nhận tiền “chăm sóc khách hàng” từ Oceanbank hoặc từ bị cáo Sơn, Thắng. Ông Quỳnh trình bày, trước tháng 3/2014, ông là Kế toán trưởng của PVN và sau đó được bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. 

Trình bày với Hội đồng xét xử về mối quan hệ với bị cáo Sơn, ông Quỳnh cho biết: “Chúng tôi gọi là mâu thuẫn cũng được mà gọi là không tin tưởng, cảnh giác nhau cũng được. Nó bắt nguồn từ việc năm 2010, tôi và anh Sơn đều nằm ở diện quy hoạch. Tôi về uy tín, năng lực hơn anh Sơn nhưng anh Sơn vẫn lên làm Phó Tổng giám đốc. Sau đó, tôi làm cấp dưới và anh Sơn rất coi thường tôi”. 

Trước Tòa, ông Quỳnh cho rằng thời điểm các tổ chức và cá nhân của PVN gửi tiền ở Oceanbank cao nhất lên tới 11.000 tỷ đồng. Thế nhưng chưa bao giờ ông nhận được một đồng nào tiền “chăm sóc khách hàng” từ Oceanbank hoặc cá nhân bị cáo Sơn. 

Trong phần thẩm vấn chiều 2/3, Hội đồng xét xử đã bước đầu làm rõ từng hành vi chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của nhóm bị cáo từng giữ chức Giám đốc các khối và Giám đốc các chi nhánh của OecanBank. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng tập trung thẩm vấn nhằm làm rõ vai trò của những người chịu trách nhiệm trong việc góp số vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank. Số vốn đó suy cho cùng là tiền thuế của nhân dân. 

Ngày 3/3, phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo TTXVN

TIN LIÊN QUAN