(Baonghean.vn)- Người Thái ở Nghệ An vẫn lưu truyền cách thức chế tạo mũi tên cực độc phục vụ săn bắn và bảo vệ bản làng. Thậm chí, nếu người trúng tên độc tử vong chỉ sau vài lần nôn ói.

Loài cây có mủ kịch độc

Bí ẩn mũi tên tẩm độc chế từ nhựa cây của người Thái Nghệ An ảnh 1
Gốc cây có tên tiếng Thái là “co noòng” ở ngọn núi thuộc bản Vi, xã Bắc Sơn. Loài cây này được cho là có thể dùng nhựa tiết từ vỏ của nó để chế thuốc độc tẩm mũi tên. Ảnh: Hữu Vi

Trên ngọn núi ở bản Vi, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp - Nghệ An) có một gốc cây lớn. Dân bản nơi đây ước tính chu vi của nó khoảng 140 cm. Loài cây thân gỗ này khá hiếm và dễ bị bỏ qua giữa vô vàn cây rừng khác, nếu không biết đến tác dụng đặc biệt của nó. Chất nhựa màu trắng của nó là thành phần không thể thiếu để pha tẩm cho mũi tên độc dùng trong săn bắn.

Người Thái ở Nghệ An gọi loài cây là “co noòng”. Giá trị kinh tế của cây thân gỗ chu vi có thể lên đến 200cm này chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng chất mủ có trong vỏ cây có thể gây chết người. Theo những người quen săn bắn bằng cung nỏ trước đây thì chất nhựa nom khá giống với mủ cây cao su này là thành phần chính để chế tên độc.

Ông Vi Văn Sinh, bản Nguộc, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) kể rằng mũi tên độc từng là nỗi ám ảnh đối với những kẻ có thói hư tật xấu. Các giai thoại dân gian truyền tụng về những cái chết đau đớn và kỳ lạ do mũi tên độc gây ra vẫn lưu truyền đến ngày nay. Một tên kẻ cắp ranh ma nọ chuyên giết trộm bò của dân bản. Thoáng thấy bóng người là hắn ta lẩn trốn vào rừng. Phường săn nhiều lần mai phục nhưng chỉ thoáng thấy bóng áo chàm chạy tuốt lên núi. Một người trong nhóm săn rút nhầm mũi tên độc bắn theo. Chỉ trong buổi sáng hôm ấy, người đi rừng gặp xác chết của tên trộm bên một gốc cây cạnh con suối.

Ngày nay, dù không còn tẩm độc nữa nhưng mũi tên dùng cho nỏ vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc chế tác khá cầu kỳ. Ảnh: Hồ Phương

Những câu chuyện đại loại như vậy được kể ở khá nhiều vùng người Thái.

Ông Sinh cho hay: Ngay cả thời phong kiến và khi vũ khí chưa bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền, việc sở hữu súng săn của đàn ông vùng cao khá phổ biến. Những thợ săn vùng cao tổ chức thành nhóm hội săn bắn là tập quán sống truyền thống của người vùng cao. Nhưng có được súng săn, thường là súng quân dụng là việc không dễ dàng. Lúc này cây nó có mũi tên tẩm độc là lựa chọn dễ dàng nhất.

Bí ẩn mũi tên độc

Nỏ săn là vật dụng không thể thiếu của người đàn ông Thái. Nhiều chiếc nỏ được cất giữ hàng chục năm. Ảnh: Hữu Vi

Ống tên của người thợ săn được chia là 2 phần. Một ngăn đựng tên thường, dùng săn gà rừng và những loài thú nhỏ. Xung quanh ống tên buộc thêm những ống nứa nhỏ đựng những mũi tên độc. Khi cần dùng người thọ săn người ta chia ngăn như vậy để tránh rút nhầm.

Việc rút nhầm tên độc và những tai nạn do thứ vũ khi này gây ra cũng là một nỗi ám ảnh đối với thợ săn thời xưa. Ong Lương Văn Vĩnh, một tay thiện xạ cung nỏ ở xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) chia sẻ: “Cha tôi ngày trước thỉnh thoảng đi săn cũng dùng đến tên độc. “Nhưng cả đời săn bắn mấy chục năm ông chỉ bắn khoảng chục phát là cùng. Bởi nó rất nguy hiểm cho người và bất đắc dĩ lắm mới dùng đến vì người ta vẫn thích dùng súng săn để bắn thú lớn thôi.”

Trong dân gian cũng có khá nhiều những giai thoại kể về sự nguy hiểm của mũi tên độc. Có chuyện kể rằng, người trúng tên thường chết rất đau đớn. Ban đầu thì đau bụng quằn quại. Tiếp đến là nôn mửa. Tên có độc tính nhẹ thì sau 7 lần nôn, nạn nhân sẽ tử vong. Còn với những loại tên độc tính mạnh, cái chết sẽ đến sau 3 lần nôn. Chính vì thế khi đã học được cách chế tên độc, thợ săn phải học luôn cách giải độc. “Quan trọng là để phòng cho mình là chính.”, ông Vĩnh cho biết. Một vết xước nhẹ do tên độc gây ra cũng có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng con người. Tuy vậy theo kinh nghiệm dân gian, thịt thú trúng tên độc không gây nguy hiểm khi ăn vào. “Độc chỉ giết thú chứ không giết được người ăn thịt thú.”, ông Sinh cho biết.

Hiện nay ở khu vực miền núi nỏ chỉ xuất hiện trong các hội thi như để nhắc nhớ về cội nguồn truyền thống mà phụ nữ cũng có thể tham dự. Tuy vậy, có không nhiều người biết rằng đã tồn tại những giai thoại khủng khiếp về mũi tên tẩm độc trong các cuộc săn thú trong lịch sử. Ảnh: Hồ Phương

Từ các cuộc phỏng vấn với các thợ săn lão luyện vùng cao xứ Nghệ cho thấy, hầu như ai cũng biết đến thứ tên độc này. Thế nhưng cách pha chế loại độc này gần như đã thất truyền. Những người già nhât cũng chỉ nhớ rằng thành phần của chất độc bao gồm nhựa cây “co noòng”, nước bồ hóng, thuốc phiện và một số chất độc khác.

Một giai thoại dân gian cũng kể rằng: Trước đây, những thợ săn vùng cao có cách thử độc tính của tên độc rất kinh dị. Người ta ra ruộng bắt về một con nhái, đem đầu tên độc dí vào người con vật mà không cần phải gây xước da. Nếu con nhái lăn ra chết duỗi hẳng cẳng là mũi tên đạt “chuẩn”.

Việc dùng tê độc để săn thú đã là một quá khứ xa xôi trong ký ức người vùng cao.

Ngày nay, một số khe suối, làng bản ở vùng cao có mang tên loài cây dùng để chế tên độc. Bản Khe Nóng xã Châu Khê (Con Cuông) là một ví dụ. Bản người Đan Lai này nằm cuối nguồn suối Khe Nóng (Tiếng Thái gọi là Huồi Noòng) chảy từ vùng biên gới Việt Lào vào địa phận xã Châu Khê./.

Hữu Vi - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN