Đây là xóm giáo toàn tòng, một bộ phận không nhỏ người dân trong xóm là lao động tự do, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp những hạn chế nhất định; không tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...vì vậy, mỗi khi ốm đau, bệnh tật gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Dung - Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định, các chính sách bảo hiểm thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt khi giúp những người lao động tự do cũng có thể có “sổ hưu”, có thẻ BHYT - là “phao cứu sinh” thiết thực khi không may gặp rủi ro, bệnh tật và an tâm hơn khi về già. Việc BHXH tỉnh tặng sổ BHXH tự nguyện nhằm tạo thuận lợi bước đầu cho bà con trong quá trình tham gia về lâu, về dài; đồng thời cũng giúp người dân hiểu hơn về lợi ích, giá trị của cuốn sổ BHXH, từ đó lan tỏa thông điệp đến cộng đồng.
Những điều cần biết về BHXH tự nguyện
1. Ai nên mua BHXH tự nguyện?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH 2014, người từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được mua BHXH tự nguyện.
Cụ thể, đối tượng nên mua BHXH tự nguyện là những người làm nghề tự do, những phụ nữ ở nhà nội trợ, những người làm công việc partime… và bất cứ người lao động khác không ký hợp đồng lao động tại một cơ quan/đơn vị nào.
2. BHXH tự nguyện gồm những chế độ gì?
BHXH tự nguyện chỉ gồm có hai chế độ: Hưu trí và tử tuất.
Tức là, nếu đóng BHXH tự nguyện, người tham gia có thể sẽ được hưởng lương hưu; đồng thời, được trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định…
3. Mức đóng BHXH tự nguyện như thế nào?
Điều 87 Luật BHXH 2014 quy định, mức đóng BHXH tự nguyện = 22% thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 27,8 triệu đồng).