Quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đều gặp khó khăn. Nhằm kịp thời hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn lao động tỉnh và Sở Lao động, Thương bình & Xã hội nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ – CP. Bên cạnh đó, công tác giải quyết chế độ cho lao động F0 điều trị tại nhà cũng được triển khai kịp thời, chính xác.
Chị Nguyễn Thị Sen (công nhân Công ty may tại Diễn Châu) cho biết: “Khi mới biết mình trở thành F0, tôi khá lo lắng vì phải nghỉ việc và chưa rõ sẽ được nhận trợ cấp như thế nào. Liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội, tôi được hướng dẫn cụ thể các thủ tục liên quan để nhận hỗ trợ, thông tin về mức hưởng... Sau đó ít ngày, tôi đã nhận được tin nhắn qua điện thoại từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An về việc chi trả chế độ. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng rất kịp thời, tôi rất phấn khởi”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trên cơ sở chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã ban hành văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quyết định số 08. Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên hàng đầu, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã đơn giản hóa các thủ tục ở mức tối đa, thời gian thực hiện xác nhận trong chỉ trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị.
Với phương châm “nhanh nhất, sớm nhất có thể để chính sách đến với người lao động”. Năm 2021, toàn ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 7.137 đơn vị, tương ứng 165.055 lao động; Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 16 đơn vị, tương ứng 872 lao động, với tổng số tiền tạm dừng đóng trên 5.8 tỉ đồng; Xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho 937 đơn vị với 25.206 lao động để làm thủ tục hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp; Hoàn thành giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 7.463 đơn vị tương ứng với 176.218 lao động với số tiền được giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp trên 26 tỉ đồng; Giải quyết hưởng hỗ trợ cho khoảng 200.000 người lao động với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng.
Nhân Tháng Công nhân năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với sự tham gia của trên 50 doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được nghe báo cáo viên đến từ các phòng nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội tỉnh trình bày, phổ biến những nội dung chính của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghệ nghiệp. Trong đó tập trung vào các vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm, vướng mắc: Lĩnh vực thu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết các chế độ Bảo hiếm xã hội; lĩnh vực quản lý, cấp sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lê Viết Thức bày tỏ mong muốn những thông tin được cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp tại hội nghị này sẽ giúp các đơn vị hiểu rõ hơn tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bào hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại đơn vị mình. Đây cũng là yếu tố giúp người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng chí cũng đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bảo hiểm xã hội tỉnh để phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cơ quan Bảo hiểm xã hội luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất và đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động.
Cùng hướng đến mục tiêu chung
Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, thời gian qua đã có nhiều chương trình phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều hướng về mục tiêu xây dựng môi trường lao động hài hòa, đảm bảo lợi ích cho người lao động. Chia sẻ về chương trình phối hợp liên ngành, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh đánh giá cao sự trách nhiệm và kịp thời của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc giải quyết chế độ cho người lao động. Đồng thời cho rằng, các đơn vị cần phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức tuyên truyền đối thoại tại doanh nghiệp. Góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và giảm tình trạng hưởng Bảo hiểm xã hội một lần.
Từ chương trình phối hợp hoạt động giữa Liên đoàn lao động và Bảo hiểm xã hội ở quy mô cấp tỉnh, từ năm 2017-2020 đã diễn ra 19 hội nghị tuyên truyền, đối thoại về Luật Bảo hiểm xã hộicho người lao động tại các đơn vị. Những buổi tuyên truyền này thường được tổ chức tại các doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, mỗi buổi đối thoại thu hút khoảng 200 người lao động tham gia. Năm 2021, ba ngành đã phối hợp thanh tra liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về Lao động - An toàn lao động - Bảo hiểm xã hội tại 3 công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Vinh, rà soát về tình hình nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tự nguyện trên toàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc quyết nợ tiền lương và Bảo hiểm xã hội của người lao động tại Công ty cổ phần 423, tổ chức làm việc với 92 đơn vị sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tự nguyện, Bảo hiểm y tế với số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, phối hợp trong việc giải quyết các đơn khiếu nại liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động trên địa bàn,…
Ở cấp huyện, hàng năm, Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã đã phối hợp với Liên đoàn lao động tổ chức các hội nghị tuyên truyền điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho cán bộ làm công tác Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị trường học, phường, xã, thị trấn và các hội nghị đối thoại với người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thành, thị.
Công tác phối hợp không chỉ nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn mà còn tạo niềm tin cho người lao động, từ đó lan tỏa chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại từng thời điểm để phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, đào tạo nghề, thực hiện chế độ chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
Cụ thể: Phối hợp trong công tác tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tự nguyện: Lồng ghép tuyên truyền, đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tự nguyện cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân tại các hội nghị tập huấn do liên ngành tổ chức; tuyên truyền đối thoại trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm tổ chức; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của các ngành: Cổng/trang Thông tin điện tử, tờ rơi, tờ gấp, fanpage facebook, Zalo OA… Mở rộng, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; Rà soát quản lý người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và giải quyết các vướng mắc về chế độ cho người lao động.