Đặc biệt, kinh phí khám, chữa bệnh BHYT, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tăng; quyền lợi của người tham gia BHYT được giải quyết đầy đủ, kịp thời.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã đón nhận không ít những bệnh nhân có thẻ BHYT (thẻ BHYT hộ gia đình) vượt tuyến đến điều trị. Đó đều là những bệnh nhân nặng, đơn cử như bệnh nhân Đặng Trọng Thiên ở xã Long Thành (Yên Thành), mã thẻ BHYT GD4404016354956, bị vẹo cột sống ngực lưng, thoát vị địa đệm cột sống, đau lưng cấp; hay bệnh nhân Phạm Thị Xuân ở xã Diễn An (Diễn Châu), mã thẻ BHYT GB4404018936634 (Thẻ BHYT của người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình), bị suy tim, bệnh lý van 2 lá, rung nhĩ mãn tính, hen suyễn, bệnh tủy và mô quanh chân răng, thoái hóa cột sống, tăng huyết áp vô căn, đau dây thần kinh và viêm dây thần kinh...

bna_ghep_than_cho_benh_nhan_o_benh_vien_hndk_nghe_an8350771_3062021.jpgGhép thận cho bệnh nhân ở Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh tư liệu

Với 2 bệnh nhân mắc bệnh nặng nói trên, Bệnh viện HNĐK Nghệ An phải thực hiện điều trị dài ngày và áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị. Nếu như trước đây, bệnh nhân sẽ phải trả những khoản tiền viện phí rất lớn (ngoài số tiền BHYT đã chi trả) do vượt tuyến. Nhưng rất may từ ngày 1/1/2021, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến (được quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật Bảo hiểm Y tế)...

Vậy nên, ông Đặng Trọng Thiên đã được Quỹ BHYT thanh toán cho đợt điều trị 15 ngày của mình là gần 111 triệu đồng; bà Phạm Thị Xuân được Quỹ BHYT thanh toán cho đợt điều trị 35 ngày của mình là trên 100 triệu đồng.

Can thiệp mạch não tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh tư liệu

Việc những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc thuộc hộ có mức sống trung bình như ông Thiên, bà Xuân được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn để điều trị bệnh đã cho thấy rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHYT; cũng như cho thấy sự phối hợp tốt giữa cơ quan BHXH với cơ sở y tế trong việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT.

Bác sĩ Trịnh Xuân Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: “Cơ quan BHXH và bệnh viện chúng tôi đều luôn hướng tới mục tiêu làm sao để quyền lợi của bệnh nhân BHYT được đảm bảo tốt nhất, được điều trị bằng các kỹ thuật cao. Về phía bệnh viện luôn nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH. Khi có dịch vụ, kỹ thuật mới, bệnh viện sớm trình Sở Y tế, BHXH tỉnh đăng ký, phê duyệt để thực hiện cho người bệnh. Bệnh viện luôn kiểm soát chặt chẽ các chỉ định cận lâm sàng cũng như thuốc, dịch vụ kỹ thuật, làm sao tốt nhất cho người bệnh. Và ngược lại, BHXH tỉnh đã luôn cử người theo sát để hỗ trợ, giúp đỡ bệnh viện thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho người bệnh tại đơn vị. Chính vì vậy, đã có rất nhiều bệnh nhân BHYT mắc bệnh nặng, được điều trị bằng những kỹ thuật cao”.

Cụ thể hóa và triển khai quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật Bảo hiểm Y tế, ngày 21/12/2020, Bộ Y tế đã có Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; BHXH Việt Nam đã có Văn bản số 4055/BHXH CSYT về việc thực hiện Khoản 6, Điều 22, Luật BHYT; BHXH Nghệ An có Văn bản số 335/BHXH-GĐBHYT về việc hướng dẫn một số quy định tại Điều 22, Luật BHYT... Ở các văn bản này, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở khám, chữa bệnh là cần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có; kiểm soát tốt việc chỉ định điều trị nội trú; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới...
Cũng theo bác sĩ Trịnh Xuân Nam: Thực hiện Chỉ thị 25/CT-BYT của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH các cấp, thời gian qua, bệnh viện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng KCB BHYT. Cụ thể, bệnh viện đã tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về chuyên môn cũng như y đức; đa dạng hóa các loại hình như đào tạo tại chỗ, gửi đi bệnh viện tuyến trên, sau đại học, cầm tay chỉ việc, đào tạo chuyên sâu. Bệnh viện thực hiện lựa chọn các chuyên ngành, kỹ thuật để phát triển chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh. Bệnh viện cũng thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; cải cách thủ tục hành chính; quan tâm chất lượng khám, chữa bệnh tại các phòng khám bệnh. Với những nỗ lực đó, tháng 4/2021, bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ.
Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh thực hiện phẫu thuật nội soi qua đường hầm nhỏ. Ảnh tư liệu

Tại Nghệ An, không chỉ Bệnh viện HNĐK Nghệ An mà còn có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khác cũng đã và đang đảm bảo tốt quyền lợi của bệnh nhân BHYT, có thể kể đến như Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Những năm gần đây, bệnh viện đã không ngừng phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB. Hiện tại, bệnh viện không chỉ thực hiện tốt 100% danh mục kỹ thuật của bệnh viện tuyến huyện mà phát triển rất nhiều kỹ thuật cao của tuyến tỉnh, Trung ương như tán sỏi bằng đường hầm nhỏ, thay khớp, phẫu thuật nội soi ung thư tiêu hóa, nội soi tai-mũi- họng... Mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đón nhận từ 2.000-2.200 bệnh nhân đến khám, điều trị, trong đó, có khoảng 600 bệnh nhân điều trị nội trú. Đại đa số người bệnh ở đây là bệnh nhân có thẻ BHYT.

Đo huyết áp cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh.

Bác sĩ Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKTP Vinh cho biết: Bệnh viện không những đảm bảo quyền lợi BHYT tối đa nhất cho người bệnh mà còn đáp ứng các yêu cầu người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện đã cung cấp các tiện ích khác trong khám, chữa bệnh bằng việc tổ chức đặt lịch khám, chữa bệnh từ xa qua trang web, phần mềm, trả kết quả xét nghiệm và gửi đơn thuốc qua phần mềm kết nối với bệnh viện để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải. Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân thuận tiện trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, giảm thiểu thời gian tập trung, chờ đợi thanh toán quầy thu ngân, bệnh viện đã triển khai đa dạng các ứng dụng thanh toán.

Theo bác sĩ Phạm Văn Sơn: Bệnh viện và cơ quan BHXH tỉnh đã có sự phối hợp rất tốt để giải quyết tất cả các tình huống phát sinh, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho bệnh nhân BHYT. Bệnh viện đã cùng phòng Giám định BHYT của BHXH tỉnh giúp cho nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT được điều trị bằng những kỹ thuật cao mà không phải chuyển tuyến có giá trị thanh toán trên 52 triệu đồng như bệnh nhân Hồ Thị Lơn ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh) bị gãy cổ xương đùi trái, hay bệnh nhân Nguyễn Hoàng Dũng, ở phường Quang Trung (TP. Vinh) bị tiêu chỏm xương đùi trái, xẹp thân đốt sống L3... Đặc biệt, gần đây, khi ngành BHXH đưa vào áp dụng ứng dụng VssID-BHXH số sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên thiết bị di động để khám, chữa bệnh thì chính bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong tỉnh áp dụng, đáp ứng nhu cầu cho người có thẻ BHYT điện tử.

Lấy số thứ tự khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh qua phần mềm. Ảnh tư liệu

Bác sỹ Phạm Văn Sơn cũng khẳng định: Phải nói rằng cơ quan BHXH Nghệ An có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ ngành Y tế đẩy mạnh nâng cao chất lượng KCB BHYT. Ngành BHXH đã đảm bảo tốt tiến độ, chất lượng ký kết hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, ngăn chặn xử lý tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHYT; tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời tình trạng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú không đúng quy định tại các cơ sở KCB.

Ông Thái Bá Thắng - Phó Giám đốc BHXH Nghệ An cho biết: BHXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng Giám định BHYT và BHXH các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ KCB tại các cơ sở KCB theo đúng tinh thần Chỉ thị 25/CT-BYT; thường xuyên phân tích, đánh giá diễn biến KCB tại các cơ sở KCB để điều chỉnh về chỉ tiêu hợp lý, đồng thời theo dõi, giám sát đảm bảo sự chuyển biến thực chất tại các cơ sở KCB; phối hợp, hỗ trợ các cơ sở y tế giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện KCB BHYT; đảm bảo tuyệt đối không để các vướng mắc xảy ra tại các cơ sở KCB mà không được kịp thời giải quyết làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh BHYT; đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Nhận diện khuôn mặt tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh tư liệu

Tiến sỹ Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ: Với mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho bệnh nhân BHYT, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH để nâng cao chất lượng KCB BHYT, sự hài lòng của người bệnh; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BHYT, khám bệnh, chữa bệnh; nghiêm cấm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT dưới mọi hình thức, đảm bảo sự an toàn Quỹ BHYT; góp phần thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân.

Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 2.959.181 người tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, BHYT là 2.869.934 người, đạt 97,61% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. 5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã chi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT: gần 1.600 tỷ đồng (bao gồm cả nội trú và ngoại trú); tăng 225.937 triệu đồng, tương ứng 0,17% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ ngày 1/6/2021, người bệnh có thẻ BHYT đến KCB được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy, BHXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng VssID và chuẩn bị mọi điều kiện để việc KCB bằng ứng dụng VssID-BHXH số của người dân luôn đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.