Gần 200 cơ sở y tế tư nhân trong cả nước sẽ phải đối mặt với việc mất bệnh nhân bởi bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế, theo một thông báo mới vừa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra.

images2077574_bna_5a2751bf2ae11.jpgẢnh minh họa

Tháng 11 vừa qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã gửi công văn đến các bệnh viện tư nhân và các cơ quan ban ngành liên quan thông báo về việc các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật sẽ không được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngày 1/1/2018.

Bà Nguyễn Thị Quang Hiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết theo văn bản này, các cơ sở y tế tư nhân phải có quyết định phân tuyến kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn cấp. Tuy nhiên, hiện tại, các cơ sở y tế chưa có quyết định phân tuyến kỹ thuật, điều này cũng có nghĩa là từ 1/1/2018 các cơ sở y tế tư nhân không được khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.

“Tôi mong rằng cơ quan Bộ Y tế và BHXH giải quyết sớm vấn đề này bởi đây là vấn đề sống còn của các bệnh viện tư nhân”, bà nói.

Theo cách hiểu của các cơ sở y tế tư nhân, điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế này sẽ bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Gần 200 bệnh viện tư nhân cả nước sẽ có nguy cơ mất bệnh nhân khi thông báo này được áp dụng.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các hợp đồng của BHXH ký với bệnh viện công được phân bổ đầy đủ theo Thông tư 41 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hợp đồng của BHXH ký với một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được sửa đổi rất nhiều.

Cụ thể hơn, bà Ngô Minh Chiến, Bệnh viện Phòng khám Đa khoa Tâm Đức, Bình Phước cho rằng trong hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm với các cơ sở y tế tư nhân, BHXH đã tự ý thêm bớt các điều khoản phụ lục hợp đồng của Thông tư 41 gây bất lợi cho cơ sở y tế tư nhân, dẫn đến cơ quan bảo hiểm tự ý dừng hợp đồng khám chữa bệnh cơ sở y tế tư nhân rất nhiều. Đây là điều bất bình đẳng.

Người dân thực hiện các thủ tục để được khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh tư liệu

Bà Trương Thị Màu - Trưởng Phòng khám đa khoa Lương Điền, Thanh Hóa cho rằng quy định hiện hành có những bất cập. Phòng khám đa khoa tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng bác sĩ dù hơn trạm y tế bình thường vẫn không được đón tiếp bệnh nhân, điều trị cho bệnh nhân cấp cứu.

“Thực tế, trạm y tế ngay bên cạnh phòng khám đa khoa tư nhân, điều kiện cơ sở vật chất không bằng, ô xy thở nhiều khi không có còn phải chạy sang phòng khám đa khoa tư nhân mượn, nhưng thời gian điều trị cấp cứu lưu trú lại được lâu hơn phòng khám đa khoa tư nhân”, bà Màu nêu ý kiến.  

Ông Phạm Văn Long - Phó Giám đốc Bệnh viện Tư nhân 115, Nghệ An cũng khẳng định Luật Bảo hiểm y tế hiện tại không có điều khoản nào quy định cho phép cơ quan BHXH tạm dừng hợp đồng đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

“Mặt khác muốn thay đổi thanh lý, chấm dứt hợp đồng thì phải đáp ứng cả hai điều kiện: có sự thoả thuận của hai bên và bảo đảm không làm gián đoạn việc khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế như quy định tại điểm e khoản 2, khoản 3 điều 25 Luật Bảo hiểm Y tế và theo khoản 2 điều 8 mẫu hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế”, ông Long nhấn mạnh.

Trước các ý kiến này, bà Phan Thị Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế thừa nhận chính sách với bệnh viện tư nhân vẫn còn nhiều điểm bất bình đẳng, trong khi các bệnh viện tư nhân được trang bị các thiết bị hiện đại.

Về một số kiến nghị về phân hạng, các cơ sở y tế có thể gửi văn bản trực tiếp lên Bộ Y tế và các cấp cao hơn. Bà Phan Thị Hải cũng cho biết trong tuần này, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có cuộc họp để bàn các giải pháp giúp bệnh viện tư nhân có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn.

Ông Vũ Xuân Bằng - Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết nếu các bệnh viên tư “còn lăn tăn hay nghi ngờ vấn đề gì hãy thông báo với Hiệp hội Bệnh viện tư nhân và chúng tôi sẽ có những giải đáp thoả đáng, phù hợp”.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN