Đồng thời, bệnh viện cũng chuyển gửi 132 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ ở đây sang các cơ sở lọc máy khác trong tỉnh; mời chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai về kiểm tra chất lượng nước đầu vào và chất lượng nước đầu ra RO của 1 máy bất kỳ.
Sau sự cố, 3 bệnh nhân có diễn biến nhẹ với các triệu chứng rét run, sốt 38 độ C... sau khi được điều trị đã xuất viện về nhà trong ngày. 3 bệnh nhân nặng là bà Đặng Thị Trường (62 tuổi, ở xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu), Hồ Thị Lộc (29 tuổi, ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) và chị Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi, ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn) có các triệu chứng sốc nặng, suy đa tạng, sốt rét run, tụt huyết áp đã được điều trị tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu của bệnh viện.
Sau đó 2 bệnh nhân Lộc và Hồng đã được chuyển ra điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội theo nguyện vọng của gia đình. Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của 2 bệnh nhân này đang có chuyển biến tốt.
Bác sĩ có sự chủ quan?
Trao đổi với phóng viên, bệnh nhân Đặng Thị Trường cho biết, bà đã có 8 năm chạy thận ở bệnh viện. Hôm xảy ra sự việc, bà là bệnh nhân thứ 3 trong buổi chạy thận nhân tạo. Sau khi lọc máu được chừng 5 phút thì bà xuất hiện các triệu chứng đau đớn, rét... “Tôi phải lấy 2 chăn đắp, khó chịu khắp người. Đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác lạ này”, bà Trường kể và cho hay, khi có dấu hiệu này, bà đã báo cáo tình hình sức khỏe cho bác sĩ trực tại đây và gọi người nhà vào.
Sau đó thì bà tiếp tục được lọc máu thêm 2 giờ đồng hồ nữa (quá trình lọc máu thường kéo dài trên 3 giờ). Đến khi bà “đau không chịu nổi”, sốt 39,1 độ C, tức cứng bụng, chóng mặt, không thở được thì quá trình lọc máu mới buộc phải dừng lại.
Bà Trường sau đó được chuyển sang Khoa Bệnh nhiệt đới, rồi Khoa Hồi sức cấp cứu để cấp cứu. Bệnh nhân này là người đầu tiên bị diễn biến xấu. Sau khi bà được cấp cứu thì các ca diễn biến xấu khác mới xuất hiện.
Một bệnh nhân đang được chạy thận tại Khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu trong chiều ngày 30/7 cũng cho hay, không riêng 6 người trên mới xuất hiện tình trạng khó chịu mà bản thân anh cũng thấy như vậy. Tuy nhiên, ngay khi có cảm giác khó chịu, anh đã yêu cầu rút máy ra ngay nên không xảy ra diễn biến xấu.
Như lời bà Trường kể thì rõ ràng sự cố 6 người bị diễn biến xấu sẽ không xảy ra và ngăn chặn được nếu Khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu cho dừng ngay hoạt động chạy thận khi có trường hợp xấu đầu tiên xảy ra. Tuy nhiên, ngay cả khi có trường hợp xấu, hoạt động chạy thận vẫn được tiếp tục. Ước tính trong ngày 30/7, có khoảng trên 60 bệnh nhân đã được chạy thận.
Trả lời phóng viên Báo Nghệ An về vấn đề này, bác sĩ Trần Tất Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thừa nhận, kỹ thuật chạy thận nhân tạo thường gây ra những biến chứng khác nhau. Những người bệnh bị chuyển biến xấu đều có thêm nền bệnh khác, sức khỏe yếu.
“Do vậy bệnh nhân vẫn thường có những phản ứng. Ở trường hợp này mỗi bác sĩ có cách xử lý khác nhau. Ở đây, bác sĩ đã có sự chủ quan, để xảy ra sự cố”, bác sĩ Thắng nói và cho hay, sau khi có kết luận cụ thể, bệnh viện sẽ có hình thức xử lý, nhắc nhở những cá nhân có trách nhiệm.
Nghi ngờ nguồn nước
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội: Kết quả cấy máu của 2 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Cepacia. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Biến chứng trong thận nhân tạo có nguyên nhân liên quan đến nhiều yếu tố nên rất khó kiểm tra để xác định ngay lập tức.
Những diễn biến tiếp theo sau sự cố y khoa này cho thấy các cơ quan chức năng đang dồn sự nghi ngờ vào nguồn nước RO chạy thận. Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An và các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai đã lấy mẫu nước gửi xét nghiệm tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế.
Dự kiến cuối chiều nay (2/8), sẽ có kết quả xét nghiệm nguồn nước này.
Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An cho biết: Nguồn nước chạy thận tại bệnh viện là nguồn nước máy bình thường, được lọc và xử lý qua hệ thống máy trước khi đưa vào chạy cho bệnh nhân...
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngay sau khi sự cố xảy ra, Sở Y tế Nghệ An đã Quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu xử lý sự cố y khoa. Sau buổi làm việc vào sáng ngày 01/8, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã có công văn yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh ngừng việc chạy thận nhân tạo; tiến hành rà soát toàn bộ quy trình chạy thận để xác định chính xác nguyên nhân; triển khai khắc phục triệt để các nguyên nhân cho đến khi bảo đảm tuyệt đối an toàn báo cáo Sở Y tế xem xét, đồng ý bằng văn bản mới được hoạt động chạy thận trở lại; tổ chức theo dõi, điều trị và liên hệ thường xuyên với Bệnh viện Bạch Mai đảm bảo cố gắng tối đa trong việc điều trị cho các bệnh nhân.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan Công an tỉnh cũng đã chủ động nắm bắt rõ tình hình. Trong trường hợp này, ngành y tế sẽ xem xét mời cơ quan điều tra vào cuộc khi gặp khó khăn... Trách nhiệm để xảy ra sự cố là thuộc về người đứng đầu Bệnh viện. Đây là một bài học cho toàn ngành y tế.