Chị L.T.T (55 tuổi, trú tại huyện Con Cuông) đã mãn kinh được 2 năm. Vậy nhưng, những tháng gần đây, âm đạo chị T bị chảy máu bất thường, kèm đau bụng. Thu xếp công việc, chị T đến khám tại Bệnh viện tuyến huyện và được giới thiệu xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kiểm tra. Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ kết luận chị bị ung thư cổ tử cung, tế bào ung thư xâm lấn và yêu cầu chị nhập viện, phẫu thuật nội soi để điều trị.
Trải qua gần 3 giờ phẫu thuật, kíp phẫu thuật khoa Phụ và Gây mê Hồi sức đã tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân T. Bệnh nhân đã được cắt tử cung triệt căn, nạo vét 13 hạch chậu bằng phẫu thuật nội soi ít xâm lấn.
Các bác sĩ cũng tiến hành cho phân tích giải phẫu bệnh trên các bộ phận này để quyết định phương án điều trị tiếp theo. Mặc dù trải qua ca mổ phức tạp, nhưng chỉ sau 1 ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, đỡ đau hơn, vết mổ rất nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ. Hiện tại, bệnh nhân đã ăn uống và đi lại bình thường. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong 2 ngày tới.
Ung thư ở giai đoạn sớm nếu được điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sau 5 năm là 95%. Ngược lại, nếu ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn xa mới được phát hiện, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 10%. Dấu hiệu đặc trưng của ung thư cổ tử cung là âm đạo ra máu bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các chu kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, chị em nên tiêm vaccine ngừa HPV (dành cho bé gái từ 9 đến 26 tuổi, chưa quan hệ tình dục). Phụ nữ cần định kỳ kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung bằng các phương pháp Pap smear (đối với phụ nữ 20-30 tuổi) hoặc xét nghiệm HPV (đối với phụ nữ 30-65 tuổi) để có thể phát hiện các tế bào bất thường và/hoặc tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung để có thể điều trị sớm với khả năng thành công cao./.