(Baonghean) - Cùng với phục hồi chức năng sau chấn thương, Bệnh viện PHCN Nghệ An là địa chỉ tin cậy trong điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh viêm khớp dạng thấp - một trong những bệnh để lại di chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời.
Hậu quả khó lường
Là một bệnh tự miễn nên bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển rất nhanh, rất khó điều trị dứt điểm và thường để lại nhiều biến chứng khó ngờ ở các khớp xương và các cơ quan khác trên cơ thể. Bệnh phá hủy sụn khớp gây biến dạng khớp, tàn phế và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, thậm chí dẫn tới giảm tuổi thọ và tử vong.
Theo các bác sỹ chuyên khoa xương khớp, ngay từ những năm đầu tiên bị bệnh, người bệnh đã bị sụt giảm chức năng vận động. Có tới 44% người bệnh mất chức năng vận động bình thường và 16% bị mất chức năng nghiêm trọng sau 5 năm. Sau 10 năm sẽ có tới 40 - 60% người bệnh bị mất khả năng lao động.
Hiện nay, viêm khớp dạng thấp đang là căn bệnh được cho là thủ phạm gây tàn phế nhiều nhất. Ngoài ảnh hưởng tại khớp như đau, teo cơ, biến dạng khớp bệnh còn gây hậu quả nặng nề đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đây là bệnh khớp mãn tính ở người lớn, biểu hiện bằng viêm không đặc hiệu màng hoạt dịch ở nhiều khớp, diễn biến kéo dài, tăng dần, cuối cùng dẫn tới dính khớp, biến dạng khớp.
Hầu như trong các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp, số lượng khớp bị tổn thương thường lớn, đối xứng hai bên và nguy cơ gây tàn phế cao. Do sự rối loạn của hệ miễn dịch nên cơ thể tự sinh kháng thể tấn công vào các cơ quan, đặc biệt là màng hoạt dịch khớp.
Ở giai đoạn toàn phát, khi có sự “bào mòn” sụn khớp, đầu xương thì khớp bị tổn thương và khó phục hồi. Hậu quả là người bệnh không chỉ gặp khó khăn trong hoạt động hàng ngày, mà còn có thể bị biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp, mất khả năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế suốt đời.
Theo thống kê sau 10 năm mắc viêm khớp dạng thấp, 40 - 60% bệnh nhân mất khả năng làm việc, khớp có thể biến dạng, gây tàn phế và cần đến sự chăm sóc, giúp đỡ của người khác. Nguy cơ tử vong tăng cao ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng vận động, người mắc bệnh tim mạch, nhiễm trùng, loãng xương và các bệnh là hậu quả của thuốc kháng viêm không steroid… Bên cạnh đó, viêm khớp dạng thấp còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể tim, phổi,…kèm theo các triệu chứng toàn thân mệt mỏi, sốt cao, nổi nốt thấp dưới da…
Bệnh cần được điều trị đúng cách, tuyệt đối bệnh nhân không được tự dùng thuốc để điều trị bệnh vì có thể đang làm tăng mức độ của bệnh.
Giáp pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Bà Nguyễn Thị Nga (năm hay 65 tuổi) đến từ huyện Quỳ Hợp, hiện đang điều trị viêm khớp dạng thấp ở bệnh viện, cho biết, ban đầu bà bị đau ngón chân cái, cứng khớp chân, rất khó khăn khi di chuyển, có thời điểm buổi sáng các ngón tay, ngón chân của bà cứng lại, không cử động được. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng với liệu trình vừa uống thuốc, vừa kết hợp vật lý trị liệu, châm cứu… sau 1 tuần, bệnh của bà đã đỡ hơn rất nhiều. Các khớp tay, chân không còn đau nhức vào buổi sáng, bà có thể vận động dễ dàng hơn.
Còn với ông Đinh Xuân Trường (78 tuổi) đến từ huyện Diễn Châu nhập viện trong tình trạng bệnh khá nặng, các khớp đầu ngón chân tay tấy đỏ. Từ bả vai kéo xuống tay trái luôn trong tình trạng tê bì, cấu vào cũng không thấy đau. Có thời điểm chân đau, tê ông phải dùng gậy để hỗ trợ khi di chuyển. Cảm giác đau, khó chịu khiến ông ăn không ngon miệng, ngủ không đủ giấc khiến sức khỏe của ông giảm sút.
Bác sỹ, thạc sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện PHCN Nghệ An cho biết: Trường hợp như bà Nga, ông Trường không phải là hiếm. Có nhiều bệnh nhân còn nặng hơn, không thể tự phục vụ mà phải nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị tích cực tại bệnh viện, đa số các bệnh nhân đã đỡ hơn rất nhiều. Điều quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp là bệnh nhân phải kiên trì, thực hiện đúng như chỉ dẫn của bác sỹ, và đặc biệt bác sỹ điều trị phải theo dõi thường xuyên, liên tục suốt quá trình điều trị. Bên cạnh đó, đối với những bệnh nhân nặng cần được gia đình quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ mới nhanh khỏi bệnh.
Ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp được điều trị theo nhiều biện pháp: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình, lao động liệu pháp, đông y châm cứu. Tùy theo từng giai đoạn bệnh để điều trị nội trú, ngoại trú, điều dưỡng, đông - tây y kết hợp.
Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp viêm một vài khớp kéo dài mà điều trị nội khoa không hiệu quả, khớp viêm và tràn dịch; thường mổ cắt bỏ màng hoạt dịch. Ngoài ra, điều trị ngoại khoa để phục hồi chức năng một số khớp bị biến dạng nặng, phá hủy nhiều bằng phương pháp: thay khớp nhân tạo, cắt đầu xương, chỉnh hình khớp, hoặc làm dính một số khớp tránh biến chứng nguy hiểm.
Trong viêm khớp dạng thấp điều trị bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là một biện pháp quan trọng và bắt buộc nhằm tránh được thấp nhất các di chứng, trả lại khả năng lao động nghề nghiệp cho bệnh nhân. Sau khi dùng thuốc điều trị bệnh nhân giảm đau thì phải kết hợp vật lý trị liệu và vận động liệu pháp. Bao gồm: Tắm nước nóng, nước ấm, bó parafin, dùng đèn hồng ngoại, tử ngoại chiếu vào khớp viêm, tắm bùn..., biện pháp này có tác dụng giãn mạch, tăng cường lưu thông máu, tăng tiết mồ hôi, giãn cơ và giảm đau tại chỗ. Dùng dòng điện một chiều, xoay chiều, điện cao tần, siêu âm với cường độ và bước sóng khác nhau là biện pháp dùng năng lượng để điều trị.
Xoa bóp và bấm huyệt, thầy thuốc làm và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện, xoa bóp có tác dụng làm lưu thông máu, giảm đau, tăng tính đàn hồi của da, giảm xơ hoá da và dây chằng. Vận động liệu pháp và phục hồi chức năng: hướng dẫn bệnh nhân vận động thích hợp: Tập vận động bằng tay không, tập với các dụng cụ phục hồi chức năng: tập bằng gậy, tập tạ, tập trèo thang, co, kéo, bàn đạp. Ngoài ra còn kết hợp nước suối khoáng, nước biển và bùn trong trị liệu bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ hiệu quả hơn.
Cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp
Theo bác sỹ, thạc sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An thì để phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả chúng ta cần uống đủ nước vì nước chiếm 70% thành phần của sụn và duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương. Cần uống nước đầy đủ, nhất là về mùa đông không nên ngại uống nước. Thường xuyên vận động, bởi việc luyện tập không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn tốt cho hệ xương, cơ và khớp. Một số môn thể thao được khuyến khích tập luyện giúp hạn chế bệnh viêm khớp là: bơi lội, đi xe đạp, đi bộ.
Chế độ ăn uống hợp lý: Xương của bạn cần một lượng lớn dinh dưỡng để khỏe mạnh. Vì thế các thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi sẽ hỗ trợ cho hệ khớp trong cơ thể không bị sớm suy thoái. Giữ trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý, nếu bạn đang thừa cân thì cần phải giảm cân, giảm cân chính là cách giảm trọng lượng chèn lên các xương, khớp điều này giúp các xương, các khớp không phải gánh chịu một áp lực quá lớn, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Hạn chế mang vác những vật nặng. Hạn chế căng thẳng, không ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hormon sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc viêm khớp.
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC KỸ THUẬT - Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Với tinh thần: “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; Là: “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin”. Mô hình: “Bệnh viện – Khách sạn” Xanh – Sạch – Đẹp đầu tiên tại Nghệ An * Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An * ĐT liên hệ: ĐT Phòng khám: 02383.949.709; ĐT trực 24/24: 02383.952.020; ĐT nóng: 0966.251.414; ĐT hotline: 0912.002.210. |
Thanh Hiền