(Baonghean) - Cùng với điều trị các loại bệnh như viên đa khớp, thoát vị đĩa đệm, tự kỷ... thời gian gần đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến phục hồi sau chấn thương sọ não rất hiệu quả.
Nguy cơ cao để lại di chứng
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lợi (65 tuổi) ở xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) bị chấn thương sọ não do tai nạn ô tô. Trải qua 2 đợt phẫu thuật (tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Việt Đức), sau 6 tháng điều trị tại các bệnh viện, bà Lợi được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An để phục hồi, chăm sóc sau phẫu thuật.
Trước khi về Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, bà Lợi không có cảm giác gì khi người khác gọi; ăn, uống của bà hoàn toàn phải đặt ống xông. Khi điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, bà Nguyễn Thị Lợi được GS.TS.BS Nguyễn Văn Chương - Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh học - Bệnh viện 103, chuyên viên Thần kinh học Viện Quân y, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thần kinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội trực tiếp thăm khám và đưa ra phác đồ phục hồi cụ thể, vì thế sức khỏe của bà Lợi rất tiến triển, như đã có cảm giác khi nghe người khác gọi tên mình, có cảm giác đau ở tay, chân khi người nhà chạm vào... gia đình rất phấn khởi.
GS.TS.BS. Nguyễn Văn Chương cho biết: Chấn thương sọ não là tình trạng tổn thương não do nguyên nhân chấn thương, dẫn đến những rối loạn về tri giác, nhận thức, vận động, cảm giác giác quan và ngôn ngữ. Chấn thương sọ não có thể được chia thành 2 nhóm chính dựa trên sinh lý bệnh học là tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát. Các dạng tổn thương nguyên phát thường gặp: tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não thất, xuất huyết trong não, dập não, tổn thương sợi trục lan tỏa, tổn thương chất xám sâu.
Các dạng tổn thương thứ phát thường gặp: thoát vị não, phù não, nhồi máu não hoặc thiếu máu não sau chấn thương. Ngoài ra, các triệu chứng lâm sàng cũng như tình trạng khiếm khuyết, giảm khả năng gây ra bởi chấn thương sọ não là rất đa dạng. Do đó, quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương sọ não đòi hỏi phải toàn diện, đảm bảo đúng nguyên tắc và có sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong nhóm điều trị. Một chương trình phục hồi chức năng tốt sẽ giúp bệnh nhân sớm hồi phục, có thể lấy lại được tối đa các hoạt động chức năng và cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Chế độ dinh dưỡng sau chấn thương
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho nạn nhân ngay sau khi chấn thương cũng như suốt khoảng thời gian còn lại của họ. Tuy nhiên khi chăm sóc bệnh nhân, các loại chất dinh dưỡng, kích cỡ và cách thức chuyển vào cơ thể cần được tham khảo và chỉ định bởi các bác sĩ, chuyên gia y tế. Một số dưỡng chất cần bổ sung trong quá trình điều trị và phục hồi sau chấn thương sọ não là:
Omega3: Các axít béo omega-3 vốn rất quan trọng đối với tế bào não và có nhiều trong cá, dầu cá, dầu hạt lanh, tảo, quả óc chó… Việc bổ sung omega-3 sẽ giúp bảo vệ dây thần kinh khỏi bị hư hại và phục hồi nhiều hơn sau chấn thương.
Amino acid: Nguyên tắc chung cho chế độ ăn uống của người bị chấn thương sọ não và trong quá trình phục hồi sau chấn thương sọ não là: ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng protein cao. Protein vốn được sử dụng cho sự tăng trưởng, sửa chữa, duy trì chức năng cho hầu như tất cả mô trong cơ thể và được “biên soạn” bởi các amino acid. Các amino acid trong não có liên quan mật thiết trong việc duy trì ở mức bình thường những chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Nguồn amino acid dồi dào nhờ vào những protein có ở thịt gà nạc, cá, các loại đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan… Có thể chọn các món cháo gạo, đậu phụ, trứng gà, thịt gà, thịt lợn, ruốc thịt, cá, sữa, táo, nước cam quýt, cà chua… cần chế biến thành các món mềm nhỏ dài, dễ nhai nuốt, thanh đạm hợp khẩu vị với người bệnh. Đối với người hôn mê kéo dài, có thể cho ăn bằng ống qua mũi các món sữa bò, đường, nước cháo, sữa đậu nành, nước ép trái cây, nước rau...
Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn những loại thức ăn giàu vitamin và khoáng tố, một vài loại dưỡng chất vô cùng quan trọng cho chức năng của não như choline vốn rất quan trọng cho việc hình thành các chất dẫn truyền thần kinh. Choline được tìm thấy nhiều ở trứng, đậu phộng… Đồng thời loại bỏ những loại thức ăn có chứa chất béo bão hòa, các chất béo hydrogen hóa, thức ăn có chứa nhiều sodium (natri) vì những loại thực phẩm này càng làm tăng tần suất rủi ro bị đột quỵ.
Cách sinh hoạt phục hồi sau chấn thương
Khi đã bị tổn thương não thì chế độ sinh hoạt hàng ngày cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Để phục hồi sau chấn thương sọ não, người bệnh và gia đình cần tuân thủ theo hướng dẫn của các bác sĩ. Đối với những bệnh nhân chấn thương nặng, quá trình hồi phục chậm, phải luôn thận trọng để tránh xuất hiện các vấn đề như vận động khớp, loét da, nhiễm trùng và các chức năng sinh lý khác.
Khi bệnh nhân đã được điều trị qua khỏi tình trạng cấp tính có thể được hướng dẫn bằng một chương trình phục hồi chức năng qua các giai đoạn. Trong giai đoạn cuối cùng, phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân đạt được mức độ độc lập tối đa khi trở về gia đình, có thể trở lại với công việc cũ hoặc tiếp cận với một nghề mới phù hợp với tình trạng chức năng hiện tại.
Với những bệnh nhân chấn thương sọ não, phục hồi sau chấn thương là khoảng thời gian giúp họ lấy lại sức khỏe cũng như tinh thần của mình. Vì vậy, nếu việc chăm sóc diễn ra tốt đẹp, bệnh nhân và gia đình tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ thì khả năng bình phục của họ sẽ nhanh hơn và người bệnh có cơ hội tái nhập cộng đồng cao hơn.
Hội đồng khoa học kỹ thuật - Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An với tinh thần: “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; là: “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin”
Mô hình: “Bệnh viện - Khách sạn” Xanh - Sạch - Đẹp đầu tiên tại Nghệ An
Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An;
Điện thoại Phòng khám: 0238.949.709; ĐT trực 24/24: 0238.952.020; ĐT nóng: 0966.251.414; ĐT hotline: 0912.002.210; ĐT Giám đốc: 0912.487.568.
Thanh Thủy
TIN LIÊN QUAN |
---|