(Baonghean) - Năm 2016, Bảo hiểm xã hội Nghệ An không chấp nhận thanh toán hơn 115 tỷ đồng, tạm treo hơn 120 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế trong tỉnh. Điều này không chỉ gây khó khăn mà còn tạo áp lực ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của ngành Y tế.
Không phù hợp với thực tiễn ngành Y tế
Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương là bệnh viện hạng II có quy mô 240 giường, thực hiện khám, chữa bệnh cho nhân dân huyện nhà và các vùng phụ cận. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón khoảng 400 - 600 bệnh nhân đến khám và điều trị ở 16 khoa lâm sàng và cận lâm sàng.
Bác sỹ Nguyễn Hải Linh - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Có khoa thì quá đông bệnh nhân, có khoa lại ít bệnh nhân, dẫn đến thiếu nhân lực cục bộ. Khoa nào đông người bệnh thì thiếu bác sỹ có chứng chỉ hành nghề để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Còn bác sỹ không có chứng chỉ hành nghề nếu khám sẽ bị BHYT từ chối thanh toán. Hiện bệnh viện có 42 bác sỹ, nhưng mới chỉ có 30 người có chứng chỉ hành nghề”.
Theo Luật Khám chữa bệnh và các thông tư liên quan, bác sỹ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi trải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là 18 tháng. Như vậy, yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề mới thanh toán chi phí của BHXH Nghệ An đang “gây khó” cho nhiều bệnh viện trong tỉnh.
“Bệnh viện tuyến huyện thu hút, tuyển dụng bác sỹ vốn đã khó khăn rồi. Tuyển được gần 2 năm mới cho khám, chữa bệnh thì rất bất cập. Không cho khám thì không có nhân lực để phục vụ người dân. Cho khám thì không được BHXH thanh toán. Các bác sỹ được cử đi học chuyên khoa, tiếp thu kỹ thuật mới về chưa có chứng chỉ hành nghề nên học xong cũng để đó. Yêu cầu của BHXH có lẽ chỉ phù hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh không bị thiếu bác sỹ” - bác sỹ Nguyễn Hải Linh nêu quan điểm.
Bác sỹ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cũng đồng quan điểm khi cho rằng, cơ quan BHXH Nghệ An đang cứng nhắc trong việc giám định, thanh xuất toán chi phí khám, chữa bệnh. “Bây giờ cơ sở vật chất bệnh viện chỉ có như vậy. Bệnh nhân đến, chúng tôi không thể từ chối nên việc tần suất sử dụng máy móc cao, kê thêm giường bệnh ngoài kế hoạch là điều khó tránh khỏi. Nếu cứng nhắc làm theo yêu cầu của BHXH thì chúng tôi cho bệnh nhân chuyển tuyến, chi phí khám, chữa bệnh càng tốn kém hơn. Một trường hợp sốt cao co giật vào nằm ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An chi phí hết vài triệu đồng, chuyển ra Trung ương phải đội lên 20, 30 triệu đồng, kết quả vẫn là BHXH Nghệ An thanh toán...”.
Bác sỹ Đặng Đình Bảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho rằng, ngành BHXH cần nắm bắt rõ năng lực cũng như tình hình thực tế khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. “Việc bệnh viện kê thêm giường là không sai, vì Bộ Y tế quy định không được để bệnh nhân nằm đôi, nằm ba. Bệnh viện chúng tôi dù thiếu thốn cũng phải cơi nới xây thêm nhà cho bệnh nhân nằm điều trị vì luôn thường trực có 750 - 800 bệnh nhân, trong khi kế hoạch chỉ có 530 giường. Bệnh nhân quá đông, bác sỹ phải làm thêm giờ là có thật. BHXH không nên quá cứng nhắc, sẽ gây bức xúc cho y, bác sỹ”.
Nỗi lo xuất toán
Tại cuộc họp bàn giải pháp hạn chế vượt quỹ BHYT do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức mới đây, nhiều lãnh đạo các cơ sở y tế cho rằng, những biện pháp nhằm cắt giảm chi quỹ BHYT của BHXH Nghệ An có phần “cực đoan”, chỉ tập trung vào những cơ sở có chi phí khám, chữa bệnh lớn để tìm cách xuất toán hoặc treo thanh toán. Kết quả, các bệnh viện thay vì tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn, nay phải dành thời gian để tìm cách “đối phó” với BHXH.
Có đơn vị phản ánh một cách bức xúc rằng: “Cả năm qua chúng tôi phải dành hẳn hội trường cho các đoàn kiểm tra, bệnh viện thì chỉ lo làm giải trình. Như vậy, thực sự quá lãng phí về thời gian, con người, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của bệnh viện là khám, chữa bệnh phục vụ người dân”. Nỗi lo xuất toán khiến các bệnh viện “mất ăn mất ngủ”, mất luôn cả động lực phát triển vì “phát triển quá lại bị kiểm tra gắt gao để xuất toán”.
Phát biểu tại cuộc họp, bác sỹ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, đơn vị đang bị treo thanh toán hơn 10 tỷ đồng cho rằng, những giải pháp mà BHXH Nghệ An đã và đang áp dụng chỉ có kết quả tức thì chứ chưa thực sự chạm đến gốc rễ vấn đề. “Quan trọng không phải là giảm chi, mà là kiểm soát để chi sao cho đúng. Ở đây chúng ta cần phân biệt hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về bản chất nhưng giống nhau ở kết quả: tăng chi do thay đổi cơ chế chính sách và lạm chi do lạm dụng quỹ. Tôi hoàn toàn đồng tình việc BHXH xuất toán những trường hợp có biểu hiện trục lợi, làm khống. Còn đơn vị nào làm thật thì BHXH nên có sự chia sẻ và tạo điều kiện để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình là được phục vụ người dân”.
Bác sỹ Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Việc thông tuyến tạo điều kiện cho người có thẻ BHYT lựa chọn cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Điều này khiến các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, cập nhật các kỹ thuật, thiết bị mới để nâng sức cạnh tranh. Nhưng điều này cũng dẫn đến những vướng mắc khi thanh toán BHYT bởi các quy định chưa thống nhất giữa ngành Y tế và BHXH. Việc BHXH treo hoặc từ chối thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khiến các cơ sở y tế bức xúc và chịu áp lực.
Khi nỗi lo xuất toán còn treo lơ lửng trên đầu thì chắc chắn, các cơ sở y tế sẽ khó mà toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, kìm hãm sự phát triển của ngành Y tế, hạn chế quyền hạn và trách nhiệm của người thầy thuốc được quy định tại Luật Khám chữa bệnh.
"Bất đồng" giữa 2 ngànhTại Công văn số 1294/BHYT của Bộ Y tế ra ngày 17/3/2017 gửi BHXH Việt Nam có nêu “Thời gian qua, Bộ Y tế nhận được rất nhiều phản ánh của các đơn vị và địa phương về một số vướng mắc liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật y tế”. Bộ Y tế có ý kiến “Tại các quyết định ban hành định mức đã nêu rõ “định mức ban hành kèm quyết định là định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”. Khi triển khai dịch vụ kỹ thuật y tế tại các đơn vị sẽ có sự khác nhau về số lượng, chủng loại thuốc, vật tư, hóa chất... cũng như thời gian và số nhân lực tham gia thực hiện dịch vụ. Có sự khác nhau này là do số lượng bệnh nhân thực tế thực hiện dịch vụ tại mỗi cơ sở là khác nhau, trình độ kỹ thuật của cán bộ chuyên môn tham gia triển khai kỹ thuật khác nhau, cũng như tình trạng bệnh nhân khác nhau, mặc dù cùng thực hiện một kỹ thuật”. “Việc cơ quan BHXH các tỉnh/thành phố sử dụng định mức tại các quyết định nêu trên để kiểm soát chi phí và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là chưa đúng quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá dịch vụ quy định tại Luật BHYT và Thông tư liên tịch số 37. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh/thành phố thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho các đơn vị theo mức giá quy định tại Thông tư liên tịch số 37 hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Trước đó, ngày 6/3/2017, BHXH tỉnh Nghệ An có Công văn 316/BHXH gửi các trưởng phòng giám định BHYT, giám đốc BHXH các huyện, thành phố thị xã; trưởng các đoàn thẩm định vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT, có nội dung “Không chấp nhận thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện không đảm bảo định mức nhân lực và thời gian thực hiện dịch vụ kỹ thuật theo hướng dẫn tại Quyết định 3959/QĐ-BYT)... |
Nhóm P.V