(Baonghean.vn) - Mặc dù những năm gần đây, các ca trẻ nhỏ mắc uốn ván đã ít hơn nhờ có vacxin phòng bệnh. Tuy nhiên, đây là căn bệnh dễ mắc, nguyên nhân có thể từ những vết thương rất nhỏ và nguy cơ tử vong cao.

Khoa Truyền Nhiễm bệnh viện Sản - Nhi, 6 tháng trở lại đây, đã tiếp nhận 3 trường hợp mắc bệnh uốn. Mặc dù thời gian gần đây số ca mắc uốn ván không nhiều nhưng là căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong trên 50% nếu không được xử lý kịp thời. Nhiều trường hợp mắc uốn ván với nguyên nhân ban đầu chỉ là những vết thương rất nhỏ.

Em Nguyễn Thị Tình (Sơn Hải - Quỳnh Lưu),  năm nay 13 tuổi, bị ngã, xây xước đầu ngón chân, ba ngày sau đó, vết thương bị bưng mủ nhưng em vẫn sinh hoạt bình thường. Sau gần một tuần, em bị mỏi quai hàm, gia đình tự mua thuốc về cho em uống nhưng không đỡ, mới đi bệnh viện khám thì được chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Sản -  Nhi trong tình trạng co cứng cơ toàn thân, co giật, khó thở, phải thở bằng máy.

Chị Nguyễn Thị Thân, mẹ của em Tình cho biết: “Cháu bị đau chân nhưng vì xây xước nhỏ nên gia đình không mấy để ý. Mấy hôm cháu kêu đau hàm, gia đình  cứ nghĩ cháu bị viêm chân răng nên ở nhà tự uống thuốc. Mãi không khỏi nên tôi cho cháu đi viện khám thì mới phát hiện bệnh”.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Tình, 13 tuổi (Sơn Hải, Quỳnh Lưu) được chẩn đoán mắc uốn ván nguyên nhân do vết thương hở đầu ngón chân

Tương tự là trường hợp của em Nguyễn Văn Nam ( 7 tuổi) ở Nghi Văn, Nghi Lộc. Khoảng 4 ngày trước khi vào viện, em bị vết thương hở ở đầu ngón chân. Vì vết thương nhẹ nên gia đình em không mấy để ý. Chỉ đến lúc em sốt cao co giật, cứng hàm, căng cơ toàn thân, gia đình đưa vào bệnh viên và được chẩn đoán là bị uốn ván toàn thể. Ông Nguyễn Văn Khiêm (Bố Nam) cho biết: “Gia đình không nhớ là lúc bé đã tiêm phòng cho cháu hay chưa, nhưng khoảng 5 năm lại đây là không để ý để tiêm phòng cho cháu”.

Bệnh uốn ván là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Nếu mắc uốn ván, việc điều trị lâu dài và tốn kém. Trẻ càng nhỏ tuổi thì bệnh càng nặng do sức đề kháng yếu, thời gian điều trị khá dài, từ 15 ngày đến 1 tháng. Những ngày đầu vào viện, bệnh nhân bị sốt ly bì, mê man, không tự ăn uống được phải “xông” bằng đường mũi. Sau điều trị 4- 7 ngày, trẻ thường bị sốt cao, nổi ban dạng dị ứng… Bởi vậy, với những trường hợp trẻ mắc uốn ván cần được chăm sóc, vệ sinh hợp lý để tăng cường sức khỏe để nhanh lành bệnh.

Trẻ càng nhỏ tuổi thì bệnh càng nặng do sức đề kháng yếu, để điều trị khỏi bệnh thường mất từ 15 ngày đến 1 tháng.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn - Trường Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Sản – Nhi, hầu hết các trường hợp mắc uốn ván đều xuất phát từ nguyên nhân là các vết thương khi sinh hoạt, lao động. Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, trong chất thải của súc vật. Khi lao động, vui chơi trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương xây xước, gây bệnh.

Nhiều trương hợp, do vết thương không được vệ sinh đúng cách nên bị nhiễm khuẩn. Mặt khác, có một số phụ huynh không mấy để ý đến việc tiêm phòng bệnh đúng quy định cho trẻ nên có những trường hợp mắc uốn ván do những vết thương rất nhỏ.

Mặc dù bệnh dễ mắc phải nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì trẻ sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Quan trọng hơn, phụ huynh có thể dự phòng cho trẻ trước căn bệnh nguy hiểm này.

Để phòng bệnh uốn ván cho trẻ:

- Thực hiện tiêm phòng bệnh đúng quy định cho trẻ:  tiêm 3 mũi lúc trẻ dưới 1 tuổi; trẻ trên 1 tuổi tiếp tục tiêm 2 mũi nữa; cứ 5 năm sau lại tiêm nhắc lại 1 lần.

- Khi trẻ bị vết thương ngoài da, cần vệ sinh và chăm sóc vết thương đúng cách, phòng uốn ván (rửa ngay với nước sạch để trôi chất bẩn, rửa lại vết thương bằng oxy già  từ 3-4 lần; sát trùng bằng cồn I ốt, đậy gạc y tế lên trên; băng vết thương lại phủ trên gạc); không tự ý đắp, bôi hoặc bó bất cứ thứ gì khách lên vết thương…

- Đối với những vết thương đã tiếp xúc với môi trường có nguy cơ nhiễm khuẩn, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván  

Nguyệt  Minh

TIN LIÊN QUAN