Sởi đã đến với gia đình Hasina Raharimandimby và cướp đi ba đứa con của người mẹ, chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 1.
"Tôi nhớ mỗi khi đi làm về đều cho chúng kẹo và quà vặt. Chúng tôi thường chơi đùa và cho chim ăn", Hasina nghẹn ngào nhớ lại. Trong bức ảnh do phóng viên CNN chụp, cô ôm đứa con út, tay che mắt.
Madagascar, quốc đảo ở Đông Phi, đang bị tấn công bởi dịch sởi tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Thống kê của Bộ Y tế nước này, từ tháng 10/2018 đến nay, hơn 50.000 người mắc bệnh sởi, trong đó 300 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em.
Sởi đôi khi bị nhầm lẫn là loại virus nhẹ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, sởi tiến triển rất nhanh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, điếc hoặc chết người, đặc biệt khi bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hoặc hệ miễn dịch yếu.
Các con của Hasina qua đời chỉ vài ngày sau khi mắc sởi. Giờ đây nhớ lại, người mẹ tự trách mình vì không đưa các con đi tiêm vắcxin kịp thời.
"Thật cay đắng", Hasina nói. "Bạn không tránh được cái chết nhưng bất cứ bà mẹ nào cũng phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ con mình".
Lon Kightlinger là một nhà dịch tễ học ở Nam Dakota (Mỹ), phục vụ trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Tuổi ngoài 60, ông tới Madagascar làm tình nguyện viên.
Nhờ kinh nghiệm của mình, Kightlinger biết dịch sởi ở quốc đảo Đông Phi đang nghiêm trọng đến mức nào.
"Có bác sĩ đã 12 năm kinh nghiệm mà chưa bao giờ tiếp nhận bệnh nhân sởi cho đến một tháng trước. Từ đó, bệnh nhân đổ tới phòng khám và tới nay vẫn chưa dừng lại", Kightlinger nói, trong một phòng khám nhỏ bé cách thủ đô Antananarivo ba tiếng lái xe.
Tại Nam Dakota, Kightlinger từng chiến đấu với dịch sởi và các nhân viên y tế nhanh chóng kiểm soát tình hình. Ở Madagascar, dịch quét qua tất cả các vùng, bao gồm những thị trấn, thành phố lớn nhất.
Virus sởi lây lan rất nhanh, phát tán khi bệnh nhân ho, hắt hơi và có thể sống trong không khí hai tiếng đồng hồ. Nếu ai đó không tiêm phòng hít phải bầu không khí hoặc chạm phải bề mặt nhiễm virus, họ có thể nhiễm bệnh ngay lập tức. Các triệu chứng sởi bao gồm sốt cao, ho, chảy nước mũi, đỏ mắt và phát ban khắp cơ thể.
Hiện nay, không chỉ các nước nghèo mà các quốc gia phát triển cũng chứng kiến sự trở lại của sởi. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hiểu biết và niềm tin sai lệch vào những công trình khoa học sai lầm, những thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội dẫn đến không tiêm phòng.
Tại Mỹ, các chuyên gia tin rằng tỷ lệ tiêm vắcxin đã tụt xuống dưới 50%. Để phát huy khả năng miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắcxin phải đạt khoảng 95% dân số.
Trong khi đó, người dân Madagascar muốn tiêm vắcxin cũng chưa chắc có cơ hội.
"Người Mỹ viện đủ cớ, cho phép mình chủ quan trước bệnh sởi", ông Kightlinger nhận định. "Còn với người Madagascar, khi nghe tin có vắcxin, phần lớn họ sẽ lập tức khởi hành, sẵn sàng vượt qua quãng đường xa xôi và hàng giờ chờ đợi dưới nắng nóng để đến lượt tiêm".
Hiện ông Kightlinger mỗi tuần đều đạp xe hàng dặm để tiêm vắcxin cho dân làng.
Vắcxin vẫn là phương pháp phòng tránh sởi hiệu quả nhất. Nhờ tiêm vắcxin, số ca tử vong vì sởi giảm từ 2,6 triệu người vào những năm 1960 còn 110.000 người năm 2017.
Nhờ chương trình tiêm chủng do chính phủ, UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức, tiến sĩ Andosoa Rakotoarimanana, Giám đốc Bệnh viện Nhi Ambohimiandra hy vọng tỷ lệ tiêm vắcxin tại Madagascar sẽ tăng. Tuy nhiên, cuộc chiến với sởi vẫn còn quá nhiều thách thức.
Trên chiếc xe buýt nhỏ, Jean Claude Nambinintsoa cùng con trai Pierrot 15 tháng tuổi đi 24 giờ để tới bệnh viện. "Tôi hy vọng sẽ cho con tiêm vắcxin", Jean nói. "Thế nhưng, khi đến nơi, họ thông báo rằng con tôi đã bị sởi".
Ở ngôi làng của hai cha con, nhiều trẻ em khác cũng mắc bệnh sởi. Pierrot còn bị suy dinh dưỡng nặng. Sởi, căn bệnh tưởng chừng đã bị nhân loại đánh bại giờ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
"Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người và trung tâm y tế, không chỉ ở Magadascar mà còn trên toàn thế giới", ông Kightlinger nhấn mạnh. "Những căn bệnh như thế sẽ tiếp tục trở lại và hủy hoại nhân loại nếu chúng ta không biết tự bảo vệ. Chúng là những virus sống cực kỳ thông mình. Chúng sẽ tìm đến con người".
Về phần Hasina, cô đã đưa đứa con út tới trung tâm y tế sau khi thấy bé ho. May mắn, bác sĩ nói cậu bé chỉ bị cảm lạnh, cơn ho không có gì đáng ngại. Bé đã được tiêm vắcxin và hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn các anh chị.