(Baonghean) Quai bị là bệnh nhiễm virut cấp tính, khi bị nhiễm virut, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu 1 - 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (39 - 40 độ C) trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt và má sưng to (có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc), gây đau khi nuốt nước bọt. Sau đó, trẻ bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động.

Bệnh quai bị chủ yếu được điều trị tại nhà. Khi trẻ có các dấu hiệu quai bị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán xác định. Nếu đúng là quai bị, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ ở nhà:


- Hạ nhiệt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm (không được lau bằng nước lạnh). Có thể cho dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau.


- Cho uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng có bán tại các hiệu thuốc nhằm chống khô miệng.


- Cho trẻ ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút (nếu trẻ nuốt khó).


- Cho trẻ nằm trên giường với một chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau.


- Không được cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.


- Cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có các biểu hiện biến chứng


Phương pháp phòng bệnh: Bệnh quai bị do virut gây ra nên không có điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ, ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi bị mắc bệnh phải cách ly đường hô hấp, bệnh nhân phải được cách ly trong khoảng 9 ngày kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác.


Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt.

Thu Hà (tổng hợp)