Nghiện yêu (còn được gọi là bệnh lý tình yêu) là một tập hợp những hành vi đặc trưng bởi sự quan tâm không lành mạnh và quá mức đối với một hoặc nhiều bạn tình, theo Psychology today. Nghiện yêu khiến bạn bị chi phối bởi cảm xúc, thiếu kiểm soát hành vi và từ bỏ những mối quan tâm xung quanh khác.
Nghiện yêu còn dẫn đến những hành vi liều lĩnh, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của một người. Giống như những cơn nghiện khác, nghiện tình yêu gắn liền với cả niềm vui và đau khổ.
Cách đây nhiều thế kỷ, chứng nghiện tình yêu đã được Shakespeare nhắc đến qua câu nói nổi tiếng: "nếu bạn yêu và bị tổn thương, hãy yêu nhiều hơn; nếu bạn yêu nhiều hơn và bị tổn thương nhiều hơn, hãy yêu thêm cho đến khi không còn đau nữa".
Trên European Journal of Psychiatry tháng 1/2019, các nhà nghiên cứu Sanches và John thảo luận về hội chứng nghiện tình yêu ở số người có biểu hiện ham muốn yêu quá mức đồng thời đưa ra cách điều trị.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh nghiện tình yêu là 3-10%. Trong đó, nhóm sinh viên đại học chiếm đến 25%.
Tuy nhiên, cần phân biệt nghiện tình yêu với các bệnh lý khác, chẳng hạn như rối loạn nhân cách, rối loạn tâm thần, nghiện sex; cuồng dâm, rối loạn ảo tưởng tinh thần. Người bị rối loạn ảo tưởng tinh thần thường nghĩ rằng một người khác, thường là người có địa vị cao đang yêu mình.
Triệu chứng
Nghiện tình yêu có thể là một dạng rối loạn thể hiện bởi sự bốc đồng và ham muốn tìm kiếm sự mới lạ. Những người mắc chứng nghiện tình yêu trải qua trạng thái tương tự như những người đang yêu hoặc đang ở giai đoạn đầu của tình yêu lãng mạn mãnh liệt. Họ thường bị ám ảnh bởi những suy nghĩ mong muốn sở hữu người mình yêu.
Ngoài ra, cần phân biệt chứng nghiện yêu với tương tư trong tình yêu. Nghiện yêu giống như việc nghiện một chất hóa học và người nghiện không thể ngưng sử dụng hoặc giảm liều lượng mỗi ngày được.
Nghiện tình yêu có thể được xếp vào loại nghiện hành vi như nghiện cờ bạc. Người nghiện không cần sử dụng chất kích thích tâm lý, nhưng lại có những điểm giống với dạng nghiện chất. Ví dụ, một người trong giai đoạn đầu sử dụng ma túy, những người nghiện tình yêu có thể thoạt đầu sẽ cảm thấy vui, hài lòng và hưng phấn mãnh liệt. Sau đó, họ dần thích và bị phụ thuộc vào những cảm xúc này và tăng số lượng hành vi để đạt được hiệu quả cảm xúc như mong muốn.
Dấu hiệu nghiện tình yêu còn biểu hiện ở việc liên tục yêu mặc dù bản thân đã nỗ lực để kiểm soát hành vi. Họ thường tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ yêu thêm một ai nữa nhưng ngay sau khi mối quan hệ kết thúc họ lại tìm người thay thế ngay lập tức.
Điều trị
John và Sanches đã nghiên cứu về phương pháp điều trị chứng nghiện tình yêu. Họ sử dụng cách can thiệp tâm lý xã hội. Những lời khuyên và sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè có thể hiệu quả trong việc khuyến khích các mối quan hệ lành mạnh hơn.
Ngoài ra, liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp tâm lý cũng được các chuyên gia ứng dụng điều trị cho những bệnh nhân nghiện yêu.