Vốn có thể chữa khỏi, bệnh lao vẫn cướp đi sinh mạng của khoảng 1,1 triệu người vào năm 2014 và trở nên nguy hiểm ngang HIV/AIDS.
BBC đưa tin, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao đã trở thành bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bên cạnh HIV. WHO nhận định đây là điều không thể chấp nhận được vì lao vốn có thể chữa khỏi, đồng thời nhấn mạnh các nguy cơ khi bệnh kháng lại thuốc.
Tiến sĩ Mario Raviglione từ WHO cho biết:" Lao và HIV đang cạnh tranh để trở thành nguyên nhân gây chết người hàng đầu thế giới". Đa số ca nhiễm lao mới tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan.
Số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm từ giữa những năm 2000 và hiện khoảng 1,2 triệu người mắc bệnh mỗi năm. Năm 2014, bệnh lao đã cướp đi mạng sống của 1,5 triệu người, 400.000 người nhiễm virus HIV trước nên không được tính vào con số này.
Margaret Chan, Giám đốc WHO nhận định loài người đã có những phương pháp chữa trị lao hiệu quả từ năm 1990, song "nếu muốn chấm dứt đại dịch này, cần phải mở rộng quy mô và đầu tư vào nghiên cứu".
Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đồng tình với các chỉ số thống kê của WHO và cảnh báo thế giới đang lao đao trong việc đối phó với các thể lao kháng thuốc. Cứ 100 ca nhiễm lao mới thì có 3 trường hợp không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bác sĩ Grania Brigden từ tổ chức này cho rằng đây là "một hồi chuông cảnh tỉnh" và "nếu không có hành động cụ thể, hàng loạt người bị lao kháng đa thuốc sẽ không có cơ hội được chẩn đoán và chữa bệnh".
Năm 2016, WHO sẽ tập trung vào chiến lược chấm dứt bệnh lao và hy vọng giảm 90% tỷ lệ tử vong vào năm 2030.
Theo vnexpress