(Baonghean) -Đọc báo Nghệ An ngày 12/4/2013, bài "Khi quan phụ mẫu say” của tác giả Kính Cận, nói về ông chủ tịch một huyện ven Thành phố Vinh uống rượu từ buổi trưa say mèm cho đến cuối buổi chiều không thể làm việc, tiếp khách. Đến chiều, khi nhà báo gọi điện hai, ba lần rồi ông mới mở cửa nói rằng có gì cứ đi cơ sở chứ bản thân ông không nói được gì lúc này vì mấy chén “rượu” tiếp khách buổi trưa chưa tỉnh. Bài viết về say rượu bỏ việc không mới, nhưng mới nhất, hay nhất là bài đăng trên báo đảng, bài viết về một vị chủ tịch huyện say rượu. Khỏi phải nêu lại các văn bản cấm công chức uống rượu trong ngày làm việc của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ đã được quán triệt nhiều. Phải biết chính xác căn bệnh uống rượu mới có thuốc hữu hiệu. Lý do chính của công chức, nhất là người chủ trì, lãnh đạo, các vị thủ trưởng không phải do nghiện rượu, do tài uống được nhiều rượu mà là do một sở thích “quái gở” là thi nhau chuốc rượu. Họ quan niệm rằng cùng nhau uống hết cỡ mới thực lòng sống, làm việc với nhau, còn từ chối chén rượu chúc với bất cứ lý do gì là không thực lòng với nhau lâu dài, là không tôn trọng nhau. Sức ép nặng nề để gắng uống là chỗ này. Không biết nền văn hoá lai tạp này từ đâu đến mà uống không chịu yên lặng trong từng mâm, mà đứng dậy đi lại hoán đổi hàng chục mâm trong bữa cơm sau hội họp, bữa tiệc mừng. Công chức còn trẻ cũng tìm bằng được mâm cấp trên, tay trái ép ngực, tay phải cầm chén xin chúc đủ các vị cấp trên mỗi người một chén cho phải đạo. Thói đâu uống 100% có giám sát chặt chẽ, uống rồi còn phải bắt tay nữa mới xong, đã sợ rượu rồi còn sợ cú bắt tay không hợp vệ sinh ăn uống này. Ở huyện lúa một thời vị đứng đầu huyện chuốc rượu khắp các mâm, rồi chuốc cả mâm phụ nữ, làm chị em hết hồn, thậm chí chuốc rượu cả các vị linh mục. Ai cũng nể sợ không dám từ chối vì ông nói: “Cái ngữ mà chén rượu cũng sợ thì điều hành nỗi gì, chén rượu mời mà còn từ chối thì tấm lòng có thật không?”. Đã có thầy giáo buổi trưa bị chuốc rượu say, chiều nhà trường phải tạm giam trong phòng kho để yên cho cuộc họp hội đồng không bị quấy phá. Sinh thời, nhà thơ Trần Hữu Thung nói uống rượu là tốt, nhưng trên đời có rượu tiên “Tửu tam bôi” (đúng ba chén), và  hợi tửu (tức rượu lợn), uống xong nằm lăn trên đất cả buổi hoặc thành Chí Phèo. Tại sao đã là chức sắc đứng đầu huyện, đầu cơ quan đơn vị mà không vượt qua được điều đơn giản như vậy để giữ mình, để làm gương cho cấp dưới? Thiết nghĩ, khi Chính phủ đã ra văn bản cấm mà công chức không chịu thực hiện thì khó nói chuyện uy tín cán bộ, uy tín của Đảng, khó nói chuyện học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ. Thiết nghĩ, chưa bàn chuyện cấm rượu mà phải kỷ luật nặng “bệnh” chuốc rượu, trước hết là trong công chức, viên chức, đặc biệt là những vị đứng đầu.

Hoàng Nguyễn (Yên Thành)