Công trình nhà ga hành khách quốc tế T2 tại Cảng hàng không Nội Bài khởi công xây dựng từ tháng 2/2012 với tổng số vốn gần 900 triệu USD, tương đương gần 18.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ODA Nhật Bản khoảng 691 triệu USD, tương đương hơn 13.000 tỷ đồng.
Theo đó, nhà ga hành khách quốc tế này được thiết kế 4 tầng theo mô hình dạng cánh, dọc tuyến đường cao tốc Nội Bài – Bắc Thăng Long trên mặt bằng diện tích gần 140.000 m2, nằm liền kề với nhà ga T1.
Chiều dài toàn bộ là 996 m, phần ga chính 180 m, sâu 132 m, rộng cánh 24 m.
Nhà ga được thiết kế với khả năng mở rộng cho giai đoạn 2 bao gồm mở rộng toà nhà chính về hai phía, các cánh được kéo dài và mở rộng để đáp ứng công suất 15 triệu hành khách/năm.
Ông Biju Vasghese, Phó trưởng phòng an ninh thi công nhà ga T2 – Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, 17h ngày 19/12, toàn bộ công trình này hoàn tất và tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam vào 9h ngày 20/12.
Tới thời điểm hiện tại, các hệ thống trang thiết bị đã hoàn thiện, chờ ngày đưa vào sử dụng. Theo đó, hệ thống quầy thủ tục check-in bao gồm 4 đảo thủ tục (mỗi đảo có 24 quầy), hệ thống quầy công an cửa khẩu có tổng cộng 44 quầy đôi đi, quầy đôi đến cũng đã hoàn thành.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban QLDA khẳng định, tuy chưa thể sánh được với các sân bay lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan nhưng nhà ga T2 đã đạt tiêu chuẩn quốc tế với nhiều hệ thống vận hành hiện đại được nhập từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp...
Toàn bộ ghế chờ của hành khách được bọc da và phủ nylon kín để bảo đảm độ mới và sạch cho đến trước trước ngày khánh thành.
Riêng sảnh đón khách đến, khách đi nằm trên tầng 2 có diện tích khoảng 1.000 m2..
Trên tầng 3 là không gian hành khách có thể được sử dụng các tiện ích như ăn uống, mua sắm quà lưu niệm, dịch vụ y tế, chăm sóc trẻ em…
Nhà ga thiết kế 17 cửa ra tàu bay, trong đó 14 cửa sử dụng hệ thống cầu dẫn hành khách, 3 cửa còn lại bằng xe buýt, chủ yếu cho các hãng hàng không giá rẻ.
14 cầu dẫn này có thể phục vụ 14 máy bay cỡ lớn hoặc 28 máy bay cỡ vừa và nhỏ đảm bảo vận tải không để xảy ra tình trạng ùn tắc như nhà ga T1.
Có hai hệ thống đường băng đi bộ tại cửa đi và cửa đến giúp hành khách không bị mỏi chân khi phải di chuyển một chặng dài trong sảnh nhà ga. Đây là thiết bị lần đầu được lắp đặt tại các nhà ga của Việt Nam.
Ngoài các hệ thống băng chuyền vận tải hành lý, quầy lễ tân, cầu dẫn thì các công trình phụ nhà ga bao gồm đường và cầu vượt tiếp cận nhà ga, sân đỗ ôtô, nhà để xe, hệ thống cấp thoát nước cũng đã được hoàn thiện.
Vị Phó trưởng phòng an ninh thi công cũng cho biết trong ngày cuối, công ty Taisel Vinaconex đã huy động 2.500 nhân lực gấp rút hoàn thiện theo kế hoạch.
Là một trong những công nhân làm việc cho công trình nhà ga T2 từ những ngày đầu, anh Nguyễn Văn Hùng và chị Hoàng Thị Tám (32 tuổi, trú tại Sóc Sơn) cho biết, mọi người cảm thấy rất hạnh phúc khi được góp một phần công sức thi công nhà ga hiện đại nhất Việt Nam. Trong ảnh là hệ thống bồn vệ sinh xả nước tự động.
Ông Đỗ Tiến Bình, Trưởng Ban quản lý dự án nhà ga T2 cho hay công trình thi công đúng tiến độ theo dự kiến. Sau khi bàn giao cho chủ đầu tư, từ ngày 20 đến ngày 25/12 nhà ga T2 sẽ tiến hành thực hiện các chuyến bay giả định không có hành khách, tàu bay. Mục đích hoạt động này là thử vận hành hệ thống băng tải hành lý, quầy lễ tân...
Khu vực làm thủ tục xuất cảnh. Ngày 25/12, chuyến bay mang số hiệu VN661 tuyến Hà Nội – Singapore của hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ thử nghiệm khai thác đầu tiên khởi hành lúc 10h45 và hai chuyến bay đến của hãng hàng không VietJet Air cũng được thử nghiệm ngay sau đó. Từ ngày 26 đến 29/12/2014, Vietnam Airlines sẽ chuyển dần các chuyến bay quốc tế từ Hà Nội đi Singapore, Cao Hùng, Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia) sang khai thác tại nhà ga mới này.
Ngày 30/12, việc chuyển các chuyến chuyến bay quốc tế đến và đi của 36 hãng hàng không từ nhà ga T1 sang nhà ga T2 sẽ hoàn tất. Nhà ga hiện đại nhất Việt Nam chính thức hoạt động kể từ ngày 4/1/2015.