Đầm mồ hôi trong khu dương tính

Vừa bước ra từ khu dương tính, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hương Xuân (30 tuổi), phải vội vã lột bộ đồ bảo hộ nặng trịch mang trên người. Sau 3 tiếng phục vụ các bệnh nhân, bận trên mình bộ đồ bảo hộ nóng nực, toàn bộ áo quần bên trong của Xuân đã ướt sũng bởi mồ hôi. Khuôn mặt in hằn dấu vết của khẩu trang.

bna_anh76391901_1192021.jpgBộ đồ bảo hộ trước lúc vào khu dương tính. Ảnh: TH

“Bây giờ cũng quen rồi. Chứ hồi đầu mặc nửa tiếng phải cởi ra, vì rất khó thở” Xuân kể. Xuân là 1 trong 32 nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 4. Bệnh viện này được trưng dụng từ một khách sạn lớn, hướng ra bãi biển thị xã Cửa Lò, là 1 trong 7 địa điểm được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện đi vào hoạt động gần 3 tuần, nhưng đã và đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân.

Chồng làm công an, được tăng cường đi trực chốt hơn một tháng nay, còn vợ thì vào làm việc tại bệnh viện dã chiến, 2 đứa con nhỏ của Xuân đành phải trông cậy vào ông bà. Chị Xuân nói rằng, với 10 năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng chị chưa bao giờ phải trải qua những ngày vất vả như hiện tại.

Các nhân viên y tế ở đây phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau, do người ngoài không thể vào bên trong. Ảnh: TH

Làm việc trong bệnh viện dã chiến, các nhân viên y tế phải mang đồ bảo hộ trắng, khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus. Khi vào ca trực chỉ chừng 15 phút là mồ hôi bắt đầu túa ra, ướt nhẹm. “Khó khăn nhất là bất tiện khi phải mặc bộ đồ này. Mặc vào ít phút là hơi thở của mình làm mờ luôn tấm kính, nhiều lúc chẳng bắt nổi ven để tiêm cho bệnh nhân”, Xuân kể.

Áo quần ướt sũng sau khi cởi bộ đồ bảo hộ trên người ra. Ảnh: TH

Ngoài bộ đồ bảo hộ gây khó khăn cho quá trình làm việc, bệnh viện này vốn dĩ trưng dụng lại từ khách sạn nên cũng rất bất tiện, chưa kể nhiều thiết bị chưa quen, cần vật dụng gì lại loay hoay đi tìm nên một số nhân viên y tế cứ như đi học việc lại từ đầu. “Nếu không phải mang đồ bảo hộ thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng đây là điều trị cho bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm cao nên mọi quy trình phải tuân thủ nghiêm ngặt", chị Xuân nói và cho biết môi trường điều trị bệnh nhân Covid-19 không được bật điều hòa, khiến nhiều y, bác sĩ nhanh mất sức.

Thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: TH

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4, đơn vị được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị các bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chuyển biến rất nhanh, khi vào viện thậm chí còn chưa có triệu chứng, nhưng không lâu sau đã phải thở máy. Chính vì thế, đòi hỏi đội ngũ y tế ở đây phải theo dõi sát sao, thường xuyên thăm khám cho bệnh nhân.

Mỗi lần vào khu vực dương tính, đội ngũ y, bác sỹ đều phải mặc bộ đồ bảo hộ. Trong khi đó, mỗi bộ đồ có giá hàng trăm nghìn đồng, lại chỉ có thể sử dụng một lần, nên để tiết kiệm, các y, bác sĩ cũng thường xuyên kết nối liên lạc qua điện thoại, thăm khám qua cuộc gọi video...

Một cuộc họp giao ban bên trong bệnh viện dã chiến. Ảnh: TH

Tủ sách dã chiến

Không chỉ chăm sóc, điều trị các triệu chứng của bệnh, bác sỹ Hải còn nghĩ ra nhiều cách để động viên tinh thần các bệnh nhân, xem đó như một liệu pháp tâm lý trong thời gian chữa bệnh. Theo đó, bệnh viện thường dùng loa truyền thông nội bộ để phát những bài nhạc vui vẻ, phấn khởi, những bài hát chiến thắng đại dịch, để các bệnh nhân có tinh thần tốt hơn. “Nhiều người vào đây, cứ đọc báo thấy tỷ lệ tử vong ở các tỉnh miền Nam cao, cũng sợ. Vì thế mình phải thường xuyên động viên, bởi tinh thần cũng rất quan trọng”, bác sỹ Hải nói.

Một trong những tủ sách bên trong khu dương tính. Ảnh: TH

Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện dã chiến còn trực tiếp kêu gọi bạn bè hỗ trợ, để xây dựng “Tủ sách dã chiến”. Sau khi kêu gọi, hơn 200 đầu sách đã được đưa tới, phục vụ cho các bệnh nhân.

“Ở bệnh viện này có một đặc điểm là có rất đông bệnh nhân là trẻ em, đang tuổi học sinh; Có thời điểm có gần 90 em. Bị cách ly điều trị bên trong, các em có quá ít lựa chọn để giải trí. Có em chỉ suốt ngày ôm khư khư cái điện thoại. Vì thế, tôi mới nảy ra sáng kiến phải làm tủ sách. Ở đây có rất nhiều loại sách, dành cho cả người lớn và trẻ em. Đó không chỉ giải trí, mà còn giúp các em có thêm kiến thức sau những ngày chống chọi với đại dich”, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải nói và cho hay, các tủ sách được đặt ngay bên trong khu dương tính, tất cả những người đến lấy sách đọc đều là F0, nên không lo ngại việc đây sẽ là điểm lây nhiễm dịch bệnh. Chưa kể, khu vực này cũng thường xuyên được phun khử khuẩn.

Có thời điểm, có gần 90 bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến này là trẻ em. Ảnh: TH

Cuộc chiến với Covid-19 của gia đình 7 người

Cũng tại Bệnh viện dã chiến số 4, có trường hợp, tất cả 7 thành viên trong một gia đình đều bị nhiễm Covid-19. Đó là gia đình anh N.H.T (SN 1982) và vợ là chị T.T.L (SN 1989), trú xóm Phan Đình Phùng, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Anh T. kể, vợ chồng lấy nhau từ năm 2010 sau đó sinh được 2 cháu sinh đôi là N.T.H.Th. và N.T.H.T. (SN 2010, năm nay lên lớp 6), rồi sau 7 năm có thêm bé thứ 3, năm 2019 thì có bé trai út. Trong nhà còn có người bố năm nay đã 86 tuổi là ông N.H.N. Tối 20/8, trên địa bàn huyện Yên Thành xuất hiện 2 ca dương tính với Covid-19 liên quan đến Công ty may Việt - Nhật.

Theo dõi các bệnh nhân qua camera. Ảnh: TH

Là công nhân làm việc tại đây nên vợ anh T. cũng được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định. Chị L. sau đó được xác định dương tính với Covid-19 được đưa đi điều trị tại đây, cùng với người con trai út sinh năm 2019.

“Sau khi vợ con đi điều trị, cả gia đình tôi là F1 nên được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Hoa Thành (Yên Thành). Tại đây, tôi chăm nom các con và bố. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, trong quá trình cách ly, lần lượt 2 con sinh đôi và bố tôi được xác định dương tính với Covid-19 nên tiếp tục đưa vào đây”, anh T. kể và cho hay, ít ngày sau anh và người con gái cuối cùng cũng có kết quả dương tính. Vì vậy, 2 bố con cũng đã được đưa từ khu cách ly tập trung tại huyện Yên Thành vào Bệnh viện dã chiến số 4 để điều trị. Tại đây, cả gia đình 7 người chính thức gặp nhau trong hoàn cảnh xót xa hơn bao giờ hết.

Phát đồ tài trợ của các nhà hảo tâm cho các bệnh nhân. Ảnh: TH

“Bố tôi đã già yếu, nhiều bệnh nền, lưng đã còng nên cụ đi lại không vững, cả nhà luôn cử người ở bên để chăm sóc. Mặc dù các y, bác sĩ ở đây rất quan tâm theo dõi và tích cực điều trị nhưng tôi vẫn lo lắm. Cầu mong cả nhà qua được đại nạn này”, anh T. nói.

Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh T., một số nhà hảo tâm đã mua sữa, bánh, kẹo và một số đồ dùng thiết yếu gửi vào cho cả gia đình để sử dụng trong quá trình điều trị. Đây là động lực giúp gia đình anh T. có thêm quyết tâm vượt qua dịch bệnh.

Nhân viên y tế tự cắt tóc cho nhau. Ảnh: TH

Không chỉ tập trung điều trị cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế cũng thường xuyên thăm hỏi về gia cảnh của các bệnh nhân. Họ thường xuyên kêu gọi các nhà tài trợ, ủng hộ sữa, bánh kẹo cho bệnh nhân. “Tin mừng là đến nay, sau gần 3 tuần hoạt động, đã có gần 100 bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện. Xúc động nhất vẫn là nhiều bệnh nhân, sau khi điều trị xong về nhà vẫn thường xuyên giữ liên lạc với độ ngũ y, bác sĩ, họ thường nhắn tin cảm ơn. Những dòng tin nhắn cảm ơn đấy chính là niềm động lực cho chúng tôi vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này”, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải nói.