(Baonghean.vn) - Bến nước ngày Xuân, là nơi bầy trẻ tìm ra múc nước tiên vào buổi sáng đầu năm. Cũng chính từ nơi này, một cậu nhóc chợt hiểu ra rằng, con gái, con trai thuộc hai thế giới riêng biệt đầy hấp dẫn và cũng không thể tách rời nhau.

Về làm dâu cách bản cũ gần hai chục cây số, bà Lô Thị Lan, bản Hồng Điện xã Đôn Phục (Con Cuông) vẫn không nguôi nhớ về bến nước cũ. Nơi mà thời con gái của bà đã trôi qua như chính chính dòng chảy hiền hòa của làn nước.

Bến nước cạnh bản là hình ảnh rất quen thuộc với các cộng đồng vùng cao. Con suối không chì mang lại nguồn sống mà gắn bó suốt cả cuộc đời người.
Bến nước cạnh bản là hình ảnh rất quen thuộc với các cộng đồng vùng cao. Con suối không chì mang lại nguồn sống mà gắn bó suốt cả đời người. Ảnh: Hữu Vi.

Người miền núi hầu như ai cũng từng gắn bó với một bến nước. Quê cũ của bà Lan ở xã Yên Khê. Bà vẫn nhớ rõ cái ngày rời bản mường, rời bến nước cũ cảm giác như xa một người bạn thân quen. Bởi thời con gái của bà đã quá đỗi gắn bó với làn nước trong vắt của dòng suối Tả Bó giờ đây đã trở thành thắng cảnh nức danh của miền núi xứ Nghệ.

Người xưa đếm tuổi bằng số mùa rẫy. Bà Lan đếm tuổi bằng số lần ra suối nước vào sáng mồng một Tết. Lần đầu tiên bà ra suối vào buối sáng cuối năm khi lên 4 tuổi. Kể từ thời ấu thơ, qua thì con gái, cho đến ngày về bản khác làm dâu bà vẫn giữ tập tục này trên một dòng suối khác. Thế nhưng những kỷ niệm đẹp nhất của bà vẫn là suối Tả Bó, nơi mạch nước tuôn ra từ lòng đất, trong veo như lọc.

Từ đây, vào mỗi chiều hôm, những chuyến đò dọc cập bến. Ảnh: Hữu Vi.

Bà kể: Hồi còn nhỏ, tôi đã nghe cha bảo ai gặp được dòng nước đầu tiên trong năm mới khi tuôn trào từ lòng đất sẽ có được niềm may mắn của cả năm. Người ta gọi đó là nước từ cõi tiên. Cõi ấy có những con người tí hon nhỏ đến mức tay không với tới cây cà, phải dùng sào mà trẩy. Ở đó quanh năm là ngày hội. Cuộc sống thiên thu vạn đại vô ưu vô lo.

Vào ngày đầu năm mới, các nàng tiên mở cửa dòng suối tiên. Chỉ trong một khắc thôi cho dòng nước mang may mắn đến với mường người. Thời khắc đó là lúc tiếng gà đầu tiên gáy vang trong năm mới. Những ai siêng năng, chăm chỉ mới có được niềm may mắn gặp được nước suối tiên.

Bầy trẻ hầu như ai cũng tin vào câu chuyện này. Đêm giao thừa chẳng ai dám ngủ. Chỉ hong hóng chờ tiếng gà gáy là xách chiếc ống tre ra suối múc nước may mắn đem về nấu nồi nước đầu năm mới. Trước khi về, không ai quên uống một ngụm nước tiên, rửa mặt mũi chân tay cho sạch sẽ chờ sáng ra đi chơi Tết. Thế rồi những ngày Xuân bất tuyệt qua đi. Chẳng ai còn quan tâm xem làn nước tiên có thực sự mang lại may mắn cho mình. Đến đêm giao thừa năm sau, lại háo hức chờ tiếng gà gáy đầu năm mới. Lại kéo nhau ra suối.

Ngày cuối năm, bến nước mang vẻ êm đềm trầm mặc. Ảnh: Hữu Vi.

Trên dòng suối, không chỉ có câu chuyện về làn nước may mắn từ cõi tiên, nó còn là nơi chứng kiến những biến thiên đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Những đứa trẻ nhận ra mình sắp sửa trở thành một chàng trai, cô gái. Một chú choai chẳng hiểu vì sao vào buổi chiều nọ cô bạn hàng xóm ngày thường cùng nhau đùa nghịch bỗng tách ra đi tắm ở một khúc suối khác.

Từ ngày ấy, ánh mắt cô bạn trở nên khác lạ vừa xa xôi vừa mơ mộng. Rồi đến một chiều nọ, sau khi từ bến nước về, trái tim chú choai như chợt nhói lên khi bắt gặp cô bạn ngày nào cắp theo chiếc chậu thau đầy quần áo ra suối giặt. Cảm giác lạ lùng lần đầu trong đời. Từ đó, trên đường đến lớp, chú choai thấy ngại ngừng không dám cầm tay cô bạn cùng trang lứa. Con suối đã mở ra một cánh cửa vào một thế giới lạ giúp chú trai lớn lên và hiểu được rằng con trai con gái thuộc về hai thế giới khác lạ nhưng cũng không tách rời nhau.

Một khung cảnh thanh bình trên bến sông nơi sơn cước. Ảnh: Hữu Vi.

Những ngày cuối năm, dòng suối mang một màu sắc khác. Nó không chỉ là bến tắm giặt. Dòng suối như tĩnh lặng hơn nhưng không phải vì thế mà kém phần nhộn nhịp. Người ta mang lá dong ra rửa chuẩn bị gói bánh chưng. Đồ dùng trong nhà cũng được đem ra gột rửa. Năm mới, thứ gì cũng phải sạch sẽ.

Bà Lan năm nay đã bước sang tuổi sáu mươi. Ngoài dòng suối thời con gái và con suối ở bản về làm dâu, bà cũng biết đến nhiều dòng sông ngọn suối ở miền đất khác. Thế nhưng trong những giấc mơ của mình bà vẫn nhớ vẫn dòng suối xưa. Dù có đón năm mới ở khúc suối nào, vào buổi sáng đầu năm mới, bà vẫn giữ thói quen múc ống nước đầu năm mới mang về nhà. Suối cũ nay đã khác xưa, thế những vào dịp cuối năm người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng một vài mế già đem lá dong ra rửa để chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày Ba mươi Tết.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN